VỀ LONG AN THƯỞNG SÂM QUỐC DÂN, THĂM LÀNG NHÀ CỔ
Sâm là sản vật quý và bổ dưỡng, đứng đầu tứ đại danh dược trong Đông Y gồm Sâm – Nhung – Quế – Phụ (cây ô đầu, phụ tử). Xưa, chỉ dành cho vua chúa. Nay, người rủng rỉnh tiền là mua được. Lâu nay chỉ nghe nói sâm Cao Ly (Triều Tiên), nhân sâm (Hàn Quốc), sâm Mỹ và sâm Ngọc Linh (Việt Nam)… Làm gì có loại sâm nào tên là “quốc dân”?
Sâm “quốc dân” là cách gọi dân gian, vì dễ trồng và giá rẻ, ai cũng có thể mua dễ dàng. Các loại sâm khác, mỗi ký phải tính hàng trăm đô la Mỹ, còn sâm quốc dân chỉ bằng 1/6 – 1/8 sâm Hàn Quốc. Tên thương mại của sâm quốc dân là sâm Bố Chính. Châu Bố Chính xưa là Bố Trạch (Quảng Bình) hiện nay, nơi người dân phát hiện loài sâm quý dùng để tiến vua cách đây hơn 300 năm nên được mang tên.
Sâm thuộc họ cẩm quỳ, mọc hoang nên còn gọi là thổ hào sâm, sâm núi, nhân sâm Phú Yên… Tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius sâm được trồng khắp cả nước, nhiều nhất ở miền Trung. Sâm thân thảo, cao khoảng 80 cm, lá màu xanh, gốc hình trái xoan, cuối phiến hình mũi tên, có nhiều lông. Hoa đơn 5 cánh, màu hồng phớt vàng hay đỏ, mọc ở kẽ lá, đường kính chừng 8cm. Quả hình trứng, đầu nhọn, chia làm 5 múi, phủ lông; khi chín màu nâu và nứt thành 5 mảnh chứa nhiều hạt nhỏ, giống quả thận. Rễ (củ) giống nhân sâm, màu vàng nhạt hoặc trắng tùy đất trồng.
Sâm không khó trồng như nhiều người nghĩ. Sâm Bố Chính càng dễ, trên dưới một năm là thu hoạch được. Để lâu cây bị thoái hóa. Vừa rồi, về Long An tìm tour mới cho chương trình liên kết Tây Nam bộ, tôi ngỡ ngàng với những cánh đồng sâm rực rỡ sắc màu ở Đức Huệ. Cứ như lạc vào làng hoa Sa Đéc. Bụng thầm nghĩ, chưa tết, ai trồng hoa mùa này?
Dừng xe selfie, hỏi thăm mới biết là sâm Bố Chính đang mùa hoa. Hoa không chỉ đẹp mà còn làm thuốc; cùng với thân, lá làm “trà thanh xuân”; rễ (củ) để nấu “canh hòa xuân”, “lẩu hợp xuân”, “rượu hồi xuân”, “chè dưỡng xuân”. Theo GS Đỗ Tất Lợi, trong rễ sâm Bố Chính chứa khoảng 30 – 45% là chất nhầy và tinh bột, giúp phục hồi chức năng khớp.
PGS-TS Trần Công Luận cho biết, trong sâm Bố Chính có phytosterol coumarin, acid béo, acid hữu cơ, đường khử, hợp chất uronic; 3,96% lipid; 0,23g % protein; 1,26% protid; 15,14% tinh bột; 18,92% chất nhày; 11 loại acid amin cùng nhiều khoáng chất như canxi, magie, natri, sắt, mangan, đồng, photpho, nhôm, zirconi… Trẻ em và người lớn đều dùng được.
Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong sâm Bố Chính có các chất như Acyl hibiscone B, (R)-de-O-methyllasiodiplodin hay hibiscone B; chống lại sự phát triển các tế bào ung thư. Sâm tính mát, vị ngọt hơi đắng; tác dụng vào các kinh Tỳ, Phế, Tâm, Thận; bồi bổ cơ thể, an thần, bổ huyến, chữa trầm cảm và suy nhược thần kinh, làm chậm lão hóa, giảm bệnh tiểu đường, điều trị rối loạn chức năng tình dục, cường dương…
Thú vị nhất là được tự tay thu hoạch sâm, chọn cho mình những “chiến lợi phẩm” ưng ý nhất, chế biến thành các món ngon bữa trưa với đặc sản đồng quê của vùng đất “trung dũng kiên cường” và mua về làm quà như thực phẩm chức năng toàn diện. Mùa mưa, đất ướt nên việc đào sâm đơn giản và dễ dàng, trẻ con 5 – 7 tuổi cũng làm được. Ngoài sâm tươi, khách có có thể mua các sản phẩm sơ chế tại chỗ như “Trà thanh xuân”, “Rượu hồi xuân”…
Nhà cổ Bắc bộ.
Sát những cánh đồng sâm là những vườn ổi nữ hoàng trĩu quả, trồng theo chuẩn VietGap. Chỉ vài chục ngàn là bao ăn cành bụng và săn hình vô tư. Về Long An, tôi càng bất ngờ khi phát hiện về hành trình thiên di của cây thanh long. Bình Thuận, quê tôi là thủ phủ thanh long Việt Nam từ cuối những năm 1980. Hơn 10 năm trước, thanh long ở Hàm Thuận chỉ trồng chơi, làm cảnh, ít ai dùng. Nay là cây làm giàu, xuất khẩu chủ lực mà chẳng biết thanh long từ đâu đến.
Nhà Tây Nguyên
Long An, cụ thể là huyện Châu Thành đã cho tôi lời giải. Thanh long, họ xương rồng, vốn ở vùng Nam Mỹ, theo các tàu viễn dương vào Hội An (Quảng Nam) từ mấy trăm năm trước. Đầu thế kỷ 20, thanh long hành phương Nam với di dân miền Trung, về định cư ở Long An. Gần trăm năm sau mới tìm đến Bình Thuận, gặp thổ nhưỡng tối ưu nên rồng xanh tung cánh, tỏa đi khắp nước Việt, sang tận Thái Lan, Nam Trung Quốc và nhiều vùng khác.
Sát Đức Huệ là Đức Hòa, giáp Bình Chánh (TP.HCM) có làng Phước Lộc Thọ nổi tiếng, bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, với hàng chục nhà cổ tiêu biểu các vùng miền Việt Nam. Nhà nào cũng tuổi cụ, trên trăm năm với hàng ngàn cổ vật quý hiếm, có thứ là độc bản. Ghé làng, ngỡ rất quen thuộc vì là phim trường của nhiều bộ phim cổ trang trên ti vi mỗi ngày. Trong làng còn có vườn lan khủng với hàng ngàn gốc giá trị.
Từ Sài Gòn, chỉ hơn giờ xe chạy, chừng 50 km là có một ngày trải nghiệm đã đời thú vị với Long An. Nhà nước đang khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, nên người thành phố náo nức “Dân Sài Gòn về Long An trải nghiệm”.
Sâm Bố Chính vừa rẻ, vừa bổ hơn hẳn nhiều loại sâm ngoại, chứ chưa nói đến những loại “sâm” có nhãn hiệu ngoại quốc nhưng chỉ là cái xác.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, dân Việt ưu tiên dùng sâm Bố Chính và Ngọc Linh là đương nhiên. Vừa ích nước, vừa lợi nhà, vừa khỏe thân.
Nguyễn Văn Mỹ