Những điều cần biết
13-09-2018

TOKYO – THỦ ĐÔ HOA ANH ĐÀO

tokyo-hoa-anh-dao

Tour Nhật Bản giá ưu đãi

Tokyo – Đông Kinh (To: đông, kyo: thủ đô), thủ đô của Nhật Bản, cường quốc số 1 về kinh tế, dù tổng GDP cả nước đứng thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc). Dân số Nhật Bản chỉ bằng ¼ nước Mỹ, 1/27 Trung Quốc; còn diện tích bằng 1/26 nước Mỹ, 1/25 Trung Quốc. Kinh đô của Nhật Bản từng mang tên  Edo – nghĩa là Cửa Sông, gắn liền với nhà lãnh đạo Tokugawa Ieyasu – người đã thống nhất nạn cát cứ ở Nhật Bản vào năm 1603. 266 năm sau, khi chế độ Mạc Phủ bị lật đổ, Thiên Hoàng phục hồi và Minh Trị  Mutsuhito (1852 – 1912) lên ngôi năm 1867 khi vừa 15 tuổi. Ông đã dời đô từ Kyoto về Tokyo. Chính Mitsuhito với tầm nhìn sáng suốt và tài lãnh đạo kiệt xuất đã biến một Nhật Bản trì trệ, bế quan tỏa cảng gần 200 năm, vươn vai thành Phù Đổng của thế giới.

Là một vị vua trẻ, rất trẻ – 15 tuổi – Mutsuhito đã kêu gọi người Nhật rũ bỏ quá khứ u mê, nghiên cứu, tìm tòi khoa học kỹ thuật và nhiều chính sách chiến lược. Gửi học sinh ra nước ngoài,  mời các chuyên gia giỏi khắp thế giới đến Nhật giảng dạy, tiếp thu các tập quán phương Tây, đãi ngộ nhân tài, không phân biệt chính kiến…Chưa đầy 50 năm, từ một nước phong kiến lạc hậu, Nhật Bản thành quốc gia hiện đại, hùng mạnh. Năm 1894, đánh bại nhà Thanh – Trung Quốc và được khoản chiến phí khổng lồ 3 tỉ 60 triệu Yen thời đó (hiện nay 1 yen bằng 260 VNĐ). Năm 1905,  chỉ trong 2 ngày xóa sổ hạm đội Bantique của Nga. 1895 chiếm Đài Loan, 1910 chiếm Triều Tiên và 1941 chiếm Việt Nam rồi tràn xuống Hồng Kông, cả vùng Đông Nam Á (chứng tích cầu sông  Kwai) và Hawai (trận Trân Châu Cảng)… Kết thúc bằng thảm bại 1945. Hiroshima và Nagasaki bị bom nguyên tử san bằng, còn Tokyo và các tỉnh khác bị tàn phá bình địa. Lúc đó người Việt Nam đã mỉa mai gọi Nhật Bản là Nhật lùn, vì người Nhật chỉ cao trung bình 1m53, còn Việt Nam cao 1m58. Bây giờ thì ngược lại, người Nhật cao trung bình 1m72, còn Việt Nam 1m61. Một lần nữa trừ tàn tro chiến tranh, Nhật Bản lại hiên ngang đứng dậy kế thừa tinh thần của Minh Trị Thiên Hoàng.

tokyo-hoa-anh-dao

19 năm sau chiến tranh, Nhật Bản đã giới thiệu một bộ mặt mới của đất nước qua Thế Vận Hội Tokyo 1964. Năm 1965, Tokyo vượt qua NewYork, trờ thành thành phố lớn nhất thế giới. 30 năm sau – 1975, thu nhập đầu người ngang bằng nước Mỹ, kẻ đã chiến thắng mình và 1985 thì vượt qua Mỹ, dẫn đầu thế giới về kinh tế. Ngày nay, Tokyo cùng với London và Newyork là ba “trung tâm chỉ huy” của nền kinh tế thế giới. Hàng chục năm nay, Tokyo là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thị trường chứng khóa chỉ xếp sau Newyork. Tokyo là trái tim của Nhật Bản, nổi tiếng với vô vàn hàng hóa xuất khẩu cao cấp “Made in Japan”.Nhiều người  bảo “Người Nhật rất khôn ngoan, họ luôn biết đứng trên vai người khác để phát triển”. Ôtô là phát minh của người Đức, computer là của người Anh, tàu điện khí 200 km/giờ là của người Pháp nhưng thiên hạ cứ tưởng các thứ đó của người Nhật. Hàng hóa Nhật Bản tràn ngập khắp thế giới. Tại Việt Nam, đố có nhà nào, người nào không sử dụng các sản phẩm của Nhật Bản. “Made in Japan” là ISO chất lượng, là đẳng cấp hiện đại; khác xa với “Made in China” luôn bị nghi ngờ hóa chất độc hại và chất lượng thất thường.

Tokyo là thành phố đa phong cách hiện đại – cổ kính – lãng mạn – nghiêm túc – trật tự – xô bồ. Cứ như một người thân thiết rất đáng yêu nhưng đôi lúc cũng làm ta bực mình. Chiều dài thành phố chỉ 90km và chiều ngang 25km nhưng có những đảo xa tới 1.850km! Tokyo có lẽ là thủ đô có nhiều đảo nhất thế giới. Chỉ rất ít đảo có dân cư. Do mật độ dân số cao, Tokyo được xây dựng chung quanh các nhà ga xe lửa lớn, kể cả đường xe lửa trên cao. Tokyo có hệ thống xe lửa hiện đại, rất nhiều cao ốc nhưng có 36% diện tích là rừng, chỗ nào cũng thấy cây Liễu Sam, Bách Nhật và anh đào. Có 3 vườn quốc gia thuộc Tokyo là Meiji no Mori Takao Quasi, Ogasawana, Ueno. Chỉ riêng Ueno đã có các bảo tàng tầm cỡ: Bảo tàng Quốc Gia Tokyo – bảo tàng lớn nhất Nhật Bản chuyên về nghệ thuật truyền thống; Bảo tàng Quốc Gia về nghệ thuật phương Tây; Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Quốc Gia Tokyo; Bảo tàng Khoa Học Quốc gia và vườn thú công cộng. Bảo tàng Edo Tokyo có kiến trúc rất giống con tàu vũ trụ giữa không trung -nơi toàn bộ lịch sử Tokyo được tái hiện một cách sinh động, đầy đủ và hấp dẫn. Tokyo có rất nhiều nhà hát với đủ loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ Nhật Bản đến các nước. Nhiều lễ hội đã góp phần làm nên thương hiệu du lịch Tokyo như: lễ hội Sanno tại đền Hie vào tháng 6, lễ hội rước kiệu Sanja tại đền Asakura vào tháng 5, lễ hội gột rửa (té nước) ở đền Kanda vào tháng 1. Tháng 7 có lễ hội pháo hoa, tháng 4 có lễ hội hoa anh đào

tokyo-hoa-anh-dao

Đến Tokyo có quá nhiều điểm để xem, để nghe, để hít thở, để thưởng thức và cảm nhận. Hãy đến khu Roping Hills sôi động, từ Louise Bourgeos nơi có chú nhện khổng lồ Maman rồi lên tầng 52 cao ốc Mori để thỏa sức ngắm nhìn Tokyo lộng lẫy, thân quen mà quyến rũ. Hoặc đến ngay tòa thị chính, lên đài quan sát ở tầng 45. Buổi tối đến Park Hyatt, vừa thưởng thức các món ngon Nhật Bản, ngắm Tokyo về đêm rực rỡ sắc màu, lung linh hư ảo; chỉ có điều buổi tối không thấy núi và các công viên. Có dịp, đừng bỏ qua các giải đấu Sumo vì xem trực tiếp “phê” hơn coi truyền hình. Nếu không thì đến xem các võ đường Sumo, học động tác chào sân và vài miếng võ vật, rồi thử món lẩu thập cẩm mà các võ vĩ Sumo thường dùng.Tokyo có nhiều công viên đẹp. Yoyogi là không gian xanh thú vị còn Sinjuku Gyoen có rừng kiểu Anh, kiểu Pháp và kiểu Nhật với không gian trà đạo độc đáo. Đây là điểm lý tưởng để xem hoa anh đào nở. Có thể tản bộ, đi xe đạp hoặc xe ngựa; nhẩn nha đắm mình trong thiên nhiên để tìm về bản ngã, thấy lòng an tịnh giữa cuộc sống xô bồ. Lang thang ở các khu chợ trời cũng làm bạn ngạc nhiên đến không ngờ, nhiều khi mua được hàng độc mà giá bèo. Đủ “thượng vàng hạ cám”. Cứ trả giá dù người Nhật không có thói quen đó. Đến chợ cá Tsukiji  sầm uất và lớn nhất thế giới, có diện tích 22 ha và gần 2.000 gian hàng. Từ con cá ngừ tổ chảng đến những con tôm khiêm tốn. Đầu giờ sáng mỗi ngày, Tsukiji có phiên đấu giá mua bán cá trực tiếp cho các chủ vựa mua sỉ rất ấn tượng.

tokyo-hoa-anh-dao

Ở Tokyo “đất là vàng nhưng công viên là kim cương”. Hình như, đó mới là không gian sống động, là bản sắc văn hóa Nhật Bản. Đủ loại cây, cỏ, bonsai, hoa cảnh. Rất nhiều cặp đôi, cả già lẫn trẻ, ríu rít sức xuân, ngập tràn tình yêu giữa mênh mông trời đất và cỏ cây hoa lá. Tôi rất mê những con đường rải đá, nho nhỏ, xinh xinh, rợp bóng hoa anh đào, có cây hàng trăm năm tuổi. Ngẩn ngơ vì choáng ngợp giữa rừng hoa như trộn cả đất trời. Nếu hoa anh đào có hương, chắc chắn sẽ có nhiều người xỉu. Trong cái se sắt lạnh đầu xuân, cứ nghĩ vẫn vơ về chuyện tình bi ai của quốc hoa nước Nhật. Hoa anh đào tự nhiên có ở vài vùng Trung Quốc, Hàn Quốc và được đem trồng ở Mỹ cùng mấy nước khác. Hoa anh đào ở Đà Lạt chẳng họ hàng gì với hoa anh đào Nhật Bản. Loại hoa này mọc khắp nước Nhật, chỗ nào cũng có. Chẳng nước nào mà quốc hoa lại ngập tràn, nở rợp trời như Nhật Bản. Hoa nở tựa mây trời, sà xuống dạo chơi với nhân gian. Mong manh, thanh khiết, thoắt nở thoắt tàn. Nhìn hoa rụng lả tả, chao trong gió như những trận mưa hoa dai dẳng, kiêu hãnh mà ngậm ngùi bi tráng. Mọi người thường đứng giữa trời hoa, uống Sake, ồn ào hoặc lặng lẽ tùy tính cách. Nếu có cánh hoa nào rơi lạc vào chén rượu, đó là điều may mắn về tình duyên.

Tokyo ngày thường vốn chật chội, nhưng cuối tuần vào chiều thứ 6, là như kiến vỡ tổ, từ mọi ngóc ngách ngoi lên mặt đất, đường phố tràn ngập người chen chúc. Ngày thường họ đăm chiêu, xa vắng, cắm đầu đi làm, cắm cổ làm việc cật lực nhưng cuối tuần là xả trại. Họ cười đùa vồn vã, ríu rít chào hỏi, bổ bã nói cười và sống thật với chính mình. Xả láng ăn chơi, có phần phóng túng; khác hẳn sự kỷ luật, lễ phép, nhã nhặn khi làm việc. Những ngôi nhà màu đỏ – giống loại khách sạn cho thuê giờ ở Việt Nam, lúc nào cũng nhộn nhịp. Không gian riêng, chẳng ai dòm ngó, khỏi thậm thụt ở công viên. Người Nhật cho rằng đè nén xu hướng hưởng lạc là trái tự nhiên. “Mọi cái đều phải đúng lúc, đúng chỗ, không làm phiền người khác; thỏa mãn thể xác để không đồi bại tâm hồn.” “Đó là quan điểm sống của rất nhiều bạn trẻ Nhật Bản, tự tin, phóng khoáng và bình đẳng”.

Meiji là đền thờ thần đạo tưởng niệm Minh Trị Thiên Hoàng Mutsuhito. Đền rộng 72 ha với hơn 170.000 cây đủ loại. Cổng vào đền cao 12m làm bằng gỗ bách trên 1.500 tuổi. Khác với các ngôi đền châu Á, thường sặc sỡ, có phần xô bồ; đền Meiji tôn nghiêm, tỉnh lặng, đẹp như một công viên tâm linh. Cổng thứ 2 của đền có nhiều thùng rượu dọc lối đi. Cổng thứ 3 có bảng ghi 5 điều mơ ước của Mutsuhito cho nước Nhật. Tôi đã thành tâm thực hiện các nghi thức: rửa tay và uống nước suối thần để gột rửa tâm hồn, thả các đồng xu nguyện ước. Khi viết một điều ước cho mình vào thẻ tre, tôi đã nắn nót ghi “Cầu mong cho dân Việt Nam được sống sung túc như Nhật Bản”. Viết thì viết vậy nhưng biết chắc thần thánh không thể giúp, nên chỉ còn cách tự cứu mình. Phải khơi dậy hào khí Đại Việt và lòng tự trọng của con cháu Rồng Tiên. Cắn răng làm việc và tiết kiệm như người Nhật sau thất bại ê chề trong thế chiến thứ 2. Muốn được vậy, trước hết, nhà nước và lãnh đạo phải nêu gương.

*Nguyễn Văn Mỹ