SUỴT! GIỮ IM LẶNG VÀ XẾP HÀNG Ở BIÊN GIỚI BATAM HAY BỊ ĐUỔI VỀ NHÀ?
“Cộp” “cộp”, im lặng, và tiếp tục “cộp” “cộp”.
Trong thời gian này, chỉ có tiếng đóng dấu trên hộ chiếu của nhân viên xuất nhập cảnh mới phá vỡ sự tĩnh lặng của đám đông du khách đứng xếp hàng chờ đợi tại bến phà quốc tế Batam (Batam Centre International Ferry Terminal).
Các hành khách từ Singapore hay Malaysia trò chuyện huyên náo trên phà, tán gẫu trong lúc xuống phà nhưng tự động giữ im lặng hoàn toàn khi bước vào nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh. Gây ra tiếng động là điều cấm kị tại đây, thậm chí chỉ là thầm thì với người kế bên đều có thể bị trục xuất hoặc kì nghỉ lễ có khả năng bị phá sản ngay lập tức.
Những người phục vụ trên phà và khách du lịch đều khẳng định với tạp chí The Sunday Times rằng các nhân viên hải quan tại đây đã bắt đầu thiết lập và quy định sự im lặng một cách tuyệt đối.
Khi phóng viên của The Sunday Times đến tham quan trạm Batam vào thứ Năm tuần trước thì nhận thấy trên các cột phà đều dán một tấm hình ngón tay trỏ đang đặt trước đôi môi.
Tuy nhiên cảnh báo này lại không có tác dụng đối với một số du khách, những người tỏ ra lúng túng khi được yêu cầu bắt chuyến phà tiếp theo để trở về Singapore vì nói chuyện.
Guo Kai Kai – hành khách đã đến Batam vào cuối tháng trước để thư giãn cuối tuần với bốn người bạn. Năm nay 25 tuổi, làm việc trong ngành hàng hải, đã tám chuyện khi đang xếp hàng và buộc phải trở về nước.
Anh ta nói rằng đã được nhân viên xuất nhập cảnh cảnh báo phải ngừng nói chuyện nhưng anh lại không nghĩ rằng “hình phạt trở nên khắc nghiệt như vậy”.
“Tôi đã đến đó để nghỉ ngơi. Vậy tại sao tôi lại không được mở miệng? Tôi chỉ trò chuyện với bạn bè thôi mà” – Kai Kai đã thuật lại và giải thích thêm là vì phải xếp hàng quá dài nên không thể im lặng suốt buổi được. Anh ấy đã phải đứng chờ khoảng 30 phút.
Guo và bạn của mình đã được một nhân viên hải quan dẫn đến cửa ra vào và yêu cầu đón tàu trở về Singapore.
Anh đã kể lại: “Thậm chí chúng tôi còn không có cơ hội để giải thích hay xin lỗi”, mặc dù đã cố gắng xin nhân viên bến tàu cho gặp các nhà chức trách nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.
Hành trình đến Batam mất khoảng một giờ cho mỗi lượt và giá tiền cho một chuyến khứ hồi là 50$, bao gồm cả các khoản phụ thu và thuế tại các trạm.
Guo và bạn đã quay lại Batam. Khi trở về Singapore, họ đã kịp đón một chuyến tàu khác đến Sekupang, một trạm phà khác để đến Batam, và phát sinh chi phí khoảng 50$ cho mỗi người.
Các nhân viên của phà đều thông báo các quy định tương tự khi đến Sekupang nhưng không đến nỗi chặt chẽ như vậy.
Bà Nur Intan Syafinaz, người đã đến Batam tham quan một vài tuần trước, chia sẻ với The Sunday Times rằng cô ấy đã thấy các gia đình phải tách ra vì một thành viên bị buộc phải quay về khi vi phạm điều luật giữ im lặng.
Một tiếp viên hàng không 23 tuổi đã kể lại: “Có một người phụ nữ năn nỉ cảnh sát để cô ấy được vào bên trong vì cả gia đình cô ấy đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh”.
Một vài du khách buộc phải quay về đã không trở lại Batam và hủy toàn bộ dịch vụ đặt phòng với các khách sạn tại đây.
Một quản lý giấu tên của khách sạn Harris Hotel Batam centre cho hay: “Đôi khi họ gọi cho chúng tôi và yêu cầu xem xét việc lấy lại tiền nhưng chúng tôi không thể giúp họ được”.
Ba đơn vị khai thác phà với các dịch vụ đến trung tâm Batam bao gồm Batamfast, WaveMaster Holidays Club và Sindoferry cho biết trung bình mỗi tuần có khoảng 15 khách buộc phải quay về và thường tập trung vào cuối tuần.
Trong những ngày lễ cao điểm, có khi con số lên đến 50 người bị trục xuất – Ông Shahzan Shah, Giám đốc Điều hành Wavemaster ở Batam chia sẻ.
“Batam Centre rất chặt chẽ. Nếu bạn nói chuyện, cười đùa lớn tiếng hoặc có những hành vi không lịch sự. Bạn sẽ bị trừng phạt”.
Ông Danny Lim – một nhân viên bán vé của Batamfast – cho biết các quan chức bắt đầu kiểm soát đám đông ồn ào vào đầu năm nay. Những hành khách không may mắn thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ các phòng vé nhưng không một ai có thể thay đổi được tình hình.
Ông Shahzan khẳng định: “Tôi ước gì chúng tôi có thể giúp được họ nhưng chúng tôi không phải là chính quyền địa phương”.
Rất nhiều du khách đã phàn nàn trên internet. Các diễn đàn du lịch như TripAdvisor luôn có những tài khoản của những người bị trục xuất trước khi kì nghỉ của họ bắt đầu.
TangGuo – một thành viên TripAdvisor đến từ Singapore – đã ghi lại việc các nhân viên xuất nhập cảnh đã quá quắt và không chuyên nghiệp khi họ yêu cầu dì, mẹ của họ phải quay về trong chuyến du lịch vào tháng 5.
Anh ta cáo buộc rằng một nhân viên đã vẫy tay với người dì và yêu cầu đi theo người này đến một góc và nói: “Cô nói chuyện và cô phải trở về Singapore”.
“Mẹ tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và hỏi ông ta có việc gì thế. Ông ta hét lên: “Bà cũng phải quay về luôn” – TangGuo bức xúc kể lại.
Tình trạng này đã buộc các công ty du lịch đưa ra những lời cảnh báo đối với khách hàng.
Chị Amanda Wang – công ty du lịch Sea Wheel – sau khi 4 người khách của họ bị cấm nhập cảnh vào tuần trước thì công ty đã bắt đầu khuyến cáo khách hàng về việc giữ im lặng.
Một công ty khác, chị Hann Kamarudin của công ty du lịch Batam Holidays phải đảm bảo rằng du khách không vi phạm các quy định khác. Đối với những người lần đầu tiên du lịch, hộ chiếu là điều bắt buộc và hành khách không được sử dụng điện thoại khi xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh.
Các nhà chức trách ở Batam luôn kiên quyết giữ vững lập trường của mình.
Ông Irwanto Suhaili – sếp cấp cao tại Phòng Nhập cảnh Batam – cho biết các nhân viên tại đây cần sự im lặng để duy trì trật tự.
Nếu không, du khách sẽ “không thể nghe thấy khi chúng tôi gọi tên họ và yêu cầu tiến lên phía trước”.
“Một số du khách phải tự trách bản thân. Họ say rượu, to tiếng, sử dụng điện thoại, chen lấn”.
“Nếu tôi đến Singapore, tôi buộc bản thân phải tuân thủ luật lệ tại đây. Nếu bạn đến đây, bạn cũng phải tôn trọng luật lệ của chúng tôi”. Ông khẳng định: “Nếu bạn tuân theo các quy định, sẽ không có vấn đề gì xảy ra cả”.