SỐNG CHẬM VỚI LUANG PRABANG
Luang Prabang (LP) và Wat Phou là 2 di sản văn hóa thế giới của Lào. LP ở Bắc Lào, còn Wat Phou ở Nam Lào. LP có nghĩa là Phật Vàng Lớn, là huyện và tỉnh cùng tên, là kinh đô đầu tiên của vương quốc Lane Xang (Triệu Voi) do Hoàng đế Fa Ngum thành lập vào đầu thế kỷ XIV; có độ cao khoảng 1670m so với mặt nước biển. Trước đó, vùng đất này thuộc đế chế Khmer một thời hưng thịnh. Xa hơn nữa là xứ sở của nước Nam Chiếu (Đại Lý). LP từng có nhiều cách gọi khác nhau theo thời điểm như Mường Xoa, Nam Chưởng, Lao Long Quốc, Lào Qua Gia, Mường Luổng… Năm 1707, LP là một trong tam quốc Lào, cùng với Vientiene và Champasak (nơi có Wat Phou). Trước 1975, LP là thủ đô hoàng gia – trung tâm của vương quốc Lào. Ngày nay LP là vùng đất bình yên và quyến rũ du khách thế giới.
Tôi đến LP lần đầu cách đây hơn 10 năm. Lúc đó du khách chủ yếu đi máy bay. Ít ai dám đi đường bộ vì sợ thổ phỉ Lào. Mỗi năm chúng chỉ chặn xe, tấn công vài vụ gây tiếng vang để xin viện trợ. Từ Vientiene, nhóm chúng tôi liều lĩnh đi thật sớm. Buổi chiều không ai dám đi. Đường đèo quanh co, hiểm trở, mùa đông sương giăng mịt mờ. Dọc đường cứ gặp từng tốp lính Lào tuần tra, súng ống lỉnh kỉnh, trang phục du kích, nhìn hơi sợ bởi lỡ “bọn phỉ giả dạng thì mình toi đời!”. Người lái xe biết tiếng Việt bập bẹ, là thổ địa vùng này đã thủ sẵn mấy cây thuốc lá. Gặp bộ đội tuần tra là giảm tốc độ, “Xabaiđi” và tặng thuốc vì “trời lạnh, chỉ có hút thuốc mới ấm người”. Tới nơi đã quá trưa, mệt bở người nhưng bù lại LP đẹp và hấp dẫn đến không ngờ, hơn cả tưởng tượng. Lại nhớ lần đưa đoàn các doanh nghiệp cùng Sở Du Lịch TP Hồ Chí Minh đi khảo sát tour “Lào – Cam – Thái” cũng gần chục năm trước. Lúc này, tình hình an ninh tốt hơn vì bọn phỉ đã buông súng, rã hàng. Đoàn đi vào mùa hè. Ấn tượng nhất là những thảm vàng rực hoa Cúc Quỳ (còn gọi là hoa Dã Quỳ) bạt ngàn dọc sườn núi. Những cây ban nở hoa trắng xóa và nhiều loài hoa lạ chưa biết tên, có loại chưa hề thấy. Nửa đường gặp cháy rừng dữ dội, cứ tưởng phải quay về Vientiene. Sau khi hội ý ban tổ chức, thấy lửa dịu bớt, đoàn quyết định “xung phong, vượt bão lửa”. Khách xuống cho xe chạy qua trước, lỡ cháy xe – còn người. Sau đó cả đoàn băng qua khói lửa mù mịt an toàn dù ai cũng thót tim. Cứ như phim hành động của Mỹ…
Trở lại LP nhiều lần, tôi vẫn bị chinh phục bởi nét duyên thầm sâu lắng nhưng ngày càng xa xăm. Bây giờ không còn sợ phỉ, 425km đường đèo hiểm trở chỉ mất hơn 8 tiếng. Thậm chí có thể ghé Vangvieng, khám phá động Tham Phu Kham và tắm sông Nậm Song, nhẩn nha ăn trưa rồi đi vẫn kịp. Chỉ tiếc và buồn là rừng bị tàn phá ghê gớm. Hai bên đường xưa bạt ngàn xanh, giờ chỉ toàn đồi trọc, cháy nham nhở. Mùi khét xộc vào mũi xót xa bỏng rát như da mình bị nướng. Thương rừng – thương đất mà chỉ biết lặng im. Lào đất rộng – người thưa – rừng điệp trùng nhưng bị con người đốt phá không thương tiếc. Tỉnh lị LP chỉ vài chục ngàn dân nhưng cấm xe lớn, chỉ xe 16 chỗ trở xuống mới vào được trung tâm. Còn lại cứ việc đi Tuk tuk, xe đạp, xe gắn máy và đi bộ. Ở đây mọi thứ đều chậm rãi, thong thả, từ đi đứng, nói năng đến ăn uống. Cả thời gian, không gian, mây gió, tình cảm và cuộc sống đều chậm. Chưa tới hè mà sông Mekong đoạn chảy qua LP cạn kiệt, khô khốc đá. Nhiều đoạn thành sân banh, tàu thuyền du lịch ngưng hoạt động. Mặc dòng sông kêu cứu, con người vẫn vô tư hút cát, rút ruột sông. Trung Quốc mới dựng mấy nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, sông Mekong đã hấp hối. Nếu xây đủ 27 đập, dòng sông sẽ bị bức tử. Con người tham lam vẫn chưa buông tha dòng sông tội nghiệp. Bị phản đối quyết liệt nhưng dự án đập Xayaburi của Lào vẫn ngấm ngầm thi công. May nhờ Biển Hồ (Tonle Sap Lake) và các vùng phụ cận ở Cambodia tích nước vào mùa mưa và cắt bớt lũ nên dòng Mekong chảy vào Việt Nam vẫn hiền hòa, trĩu nặng phù sa. Mùa mưa, nước lên từ từ, gọi là mùa nước nổi với bao sản vật dâng tặng cho đời. Còn mùa nắng dòng chảy vẫn bình thường, không bị cạn kiệt như ở Lào.
Đến LP có nhiều cái thú. Buổi chiều đầu tiên ai cũng cố vượt 328 bậc thang giữa những hàng sứ cổ thụ mấy trăm năm tuổi để lên viếng chùa Phousi. Người Lào gọi hoa sứ là Champa, còn ngưới Thái Lan và Khmer gọi là Champay. Rải rác dọc đường lên chùa có rất nhiều tượng Phật đẹp. Từ đỉnh núi có thể bao quát cả LP dung dị, cổ kính, yên bình như hòn đảo biệt lập được 2 dòng sông Mekong và Nam Khan ôm ấp. Mọi người náo nức chờ xem mặt trời lặn trên dòng Mekong. Ai cũng vui vẻ, trật tự, nhường nhịn nhau chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng. Nhiều người còn sáng tác những kiểu ảnh độc: nâng mặt trời, ôm mặt trời, há miệng nuốt mặt trời… Có cặp tình nhân dùng 2 tay cùng nâng mặt trời lên như muốn giữ mãi ngọn lửa tình yêu đôi lứa. Ở đây thời gian như ngừng trôi. Không một tiếng ồn ào xe cộ, gió dịu dàng đằm thắm, còn nắng óng ánh vàng và chuyển dần sang màu tím như cố nối đất với trời. LP được xem là đô thị bảo tồn di sản về nghệ thuật và kiến trúc với gần 30 cung điện, hơn 40 chùa cổ và khoảng 600 nhà gỗ cổ kính. Tất cả được sắp xếp trật tự, hài hòa, dọc theo các dãy phố nhỏ, nép mình bên dòng Mekong. LP có cấu trúc khá lạ, chùa là trung tâm của các dãy phố và vệ tinh là những nhà gỗ với những con hẻm nhỏ giao hòa. Sạch, xanh, chân quê, thanh tịnh và tự nhiên trong mọi sinh hoạt thường ngày. Cảm giác thân quen, gần gũi giữa du khách và cư dân bản địa tạo cho LP phong cách riêng, đầy hấp lực. Có cảm giác LP là phố cổ dành riêng cho du khách, người nước ngoài đông hơn người Lào. Cũng có những dãy phố kiểu Châu Âu nhưng không đối lập mà hòa đồng, trộn lẫn với LP cổ xưa.
Ngay dưới chân núi Phousi là chợ đêm H’mông. Chợ họp trên đường Sisavang Vong, từ 17h00 đến khuya; bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm. Các shop đều dân dã. Có shop bày trên mặt đất, khá hơn thì có bạt trải hoặc bày trên sạp gỗ. Hàng hóa rất phong phú, từ chủng loại, màu sắc, đến giá cả. Người bán hàng đủ lứa tuổi, đứng, ngồi trên ghế, ngồi bệt xuống đất. Có cả em bé đang nằm ngửa hoặc lê la tự nhiên chơi đùa hay đang bú mẹ…đều được đưa ra “phụ mẹ bán hàng”. Điều ngạc nhiên và khâm phục là toàn bộ sản phẩm đều của người Lào, chủ yếu làm bằng tay. Không thấy các loại hàng China nhố nhăng, rẻ tiền và độc hại như chợ vùng cao của Việt Nam. Cứ tha hồ chọn lựa và thoải mái trả giá. Đi chợ đêm tôi thích ngắm thiên hạ mua hàng. Thích ra sớm để nhìn các cô gái, các bà mẹ trẻ địu con tíu tít bày hàng. Cạnh chợ đêm H’mông là khu phố ẩm thực; đủ món ngon món lạ; Âu – Á – Tây –Tàu – Lào – Việt… lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui với nhiều hương vị quyến rũ.
Đến LP ai cũng muốn dậy sớm, ngủ trễ và sống chậm hơn. Dậy sớm để ngắm từng đoàn sư sãi rồng rắn khất thực. Áo cà sa vàng rực, thắp sáng cả phố phường ngái ngủ, đẩy lùi bóng đêm đang cố níu giữ chút hơi tàn vô vọng. Màu vàng Phật pháp đánh thức vạn vật, gọi bình minh rộn rã. Lào là xứ sở đạo Phật, phái Tiểu Thừa – Nam Tông; trong chùa chỉ thờ Phật Thích Ca. Sư sãi có thể ăn thịt cá nhưng không được sát sinh, không ăn sau giờ Ngọ (12 giờ). Phật tử Lào rất thích làm “Thiện Nghiệp”, cúng dường. Từ lúc chưa tỏ mặt, những người Lào quỳ sẵn trước cửa nhà mình, đợi đoàn khất sĩ đi ngang rồi thành kính “phân phối thực phẩm” cho từng người và chờ họ chúc phúc. Nét mặt ai cũng trang nghiêm và lấp lánh niềm vui. Mỗi ngày mới đều được bắt đầu như vậy…LP có nhiều chùa đẹp, cổ kính mà vẫn trẻ trung. Các chùa đều lợp ngói, mái chồng cong vút, kiến trúc gỗ với nhiều họa tiết cầu kì, tinh xảo; được sơn son thếp vàng, không gian thoáng đãng và tĩnh lặng. Mỗi chùa đều có nét độc đáo riêng. Chùa Mai có 5 mái với tượng Phật lớn ngay chính điện. chùa Xiêng Thoong có 3 mái với những bức tranh tường kể lại Phật tích bằng nghệ thuận Mosaic. Chùa Phrabat Nưa có tường dát vàng… Chùa Ho Prabang xưa là ngôi chùa thờ Phật ngọc của hoàng gia, nay là bảo tàng về nghệ thuật tôn giáo. Quần thể Cung Điện Hoàng Gia (Haw Kham) là tổ hợp kiến trúc đặc thù Lào; ngày nay là bảo tàng quốc gia với nhiều hiện vật của hoàng cung qua các triều đại, quà tặng của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Vào bảo tàng các nước, thấy quà tặng Việt Nam thường rất khiêm tốn và không đặc trưng. Hinh như Việt Nam chưa quan tâm đến công nghiệp hàng lưu niệm cho du khách, đặc biệt là quà tặng độc đáo dành cho nguyên thủ quốc gia và ngoại giao đoàn.
Thác Kuang Si cách LP 29km về phía Nam là sự lựa chọn hàng đầu của du khách. Kuang Si là công viên lớn có vườn thú tự nhiên và nhiều thác nhỏ, nước trong xanh ngọc bích và mát lạnh đến rợn người. Thác lớn hùng vĩ, nhiều tầng, bọt tung trắng xóa. Những lối đi nhỏ len lỏi giữa rừng nguyên sinh khoáng đạt, ríu rít tiếng chim, ngỡ như đang lạc vào xứ sở cổ tích hoang sơ, không chút bụi trần. Các “hồ tắm tự nhiên” điệu đàng bên những gốc cổ thụ chờ đợi, bốn bề rừng rậm bạt ngàn. Cảnh đẹp hơn cả tranh vẽ. Cứ ngỡ mình là những nhân vật trong tranh…LP còn có các làng nghề thủ công; các bản: Quay, Ou, Thapere, Phanom, Khmu…còn đậm đặc chất Lào. Cũng có thể du thuyền ngược xuôi trên dòng Mekong, khám phá cảnh đẹp dọc 2 bờ sông hoặc tham quan động Pak Ou với mấy trăm tượng Phật bằng gỗ đủ loại. Ai đến LP cũng thấy lòng tĩnh lại, tâm hồn thư thái, được sống thật với bản ngã chính mình. Cùng dậy sớm, chờ các đoàn sư sãi khất thực, đợi bình minh; tận hưởng cảm giác thảnh thơi không bon chen giành giật. Buồi sáng tôi thích đạp xe vòng các chùa cổ, nhẹ bước vào chốn Phật để suy gẫm chuyện đời. Xế chiều lên dòng Nam Tha, viếng mộ nhà thám hiểm Pháp – Henry Mouhot (1826-1861). Ông là người đã phát hiện ra quần thể Angkor bị lãng quên hơn 400 năm ở Siem Reap vào năm 1859. Nhờ ông nền văn minh Angkor chói lọi đến với thế giới và du khách năm châu. Rồi sau đó về ngắm người Lào chuẩn bị chợ đêm. Tôi cũng rất thích “ngồi thiền” trên núi Phousi chờ hoàng hôn và độc thoại với dòng Mekong, với LP huyền hoặc. Lang thang khắp các phố đêm và chỉ trở về chỗ nghỉ khi đường yên, phố vắng. Trong ánh trăng hòa lẫn đèn đường hư ảo, càng thấy cuộc đời nhỏ nhoi giữa vũ trụ mênh mông. Lại nhớ quay quắt mái nhà với người thân và bữa cơm chiều ấm cúng, chạnh lòng kẻ xa quê. Hạnh phúc giản dị và có thật với tất cả mọi người.
Từ Vientiene có thể đi máy bay hoặc đường bộ đến LP. Nên đi đường bộ, vừa rẻ vừa thú vị hơn rất nhiều. LP có sân bay quốc tế, nối Bangkok, Siem Reap, Hà Nội…và các đường bay nội địa. Hoặc đi đường bộ, từ Nậm Cắn (Nghệ An) qua Xieng Khoang với cánh đồng Chum kỳ bí rồi lên LP. Dịch vụ ăn ở tại LP đủ sức chiều lòng khách, từ bình dân đến cao cấp. Lần đầu nên đi theo nhóm bạn, theo tour. Những lần sau có thể một mình tự thân khám phá. LP như cô gái Lào chân chất, thoáng chút hoang dã mà đẹp sâu lắng, mặn mà; vẫn thủy chung đợi chờ những người tình tri kỷ.
*Nguyễn Văn Mỹ