SÀI GÒN TÔI YÊU ĐẸP LẮM ĐẤY!
Ở nhà riết, không biết làm gì nên tôi siêng đọc và xem đủ thứ. Vì vậy, càng có dịp nhìn lại mình, suy ngẫm về cuộc sống. Chợt áy náy vì sự vô tâm, hời hợt; không chỉ với bản thân, gia đình mà cả cộng đồng.
Ở thành phố gần nửa thế kỷ, từng là cán bộ thành đoàn, đạp xe đi hết các phường xã, hiểu biết nhiều về nơi mình sống nên cứ nghĩ mình tường tận mọi thứ. Ai ngờ, dịch bệnh mới thật sự ngộ ra là mình chưa hiểu hết mình thì làm sao hiểu được người khác.
Sài Gòn cũng là như thế, thay da đổi thịt từng ngày, làm sao ta biết hết? Hơn năm nay, tôi có thêm nghề mới là làm shipper, ngang dọc khắp đường phố. Thảng thốt vì những đổi thay, theo đó, cũng có chút hoài niệm, tiếc nuối nhưng bao trùm tất cả, là niềm vui vì cuộc sống cứ ngày mỗi vươn lên.
“Đố ai tìm được khắp chân trời góc bể. Một thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng” (Trường ca Khởi nghĩa – Hưởng Triều). Thành phố mới 323 năm (từ 1698), quá trẻ so với Hà Nội (từ năm 1.010), càng trẻ so với lịch sử đất nước. Nhìn từ góc độ nào, thành phố cũng lạ lùng và luôn mới mẻ, là chốn an cư mơ ước của rất nhiều người Việt.
Thói thường “Bụt nhà không thiêng”. Đi khắp đất nước, thấy tỉnh thành nào cũng có nhiều điểm đến ấn tượng và món ngon nhưng người tại chỗ đa phần thờ ơ, nhiều khi không biết. Chưa yêu quê mình đủ thì làm sao rủ khách tới. Sài Gòn cũng vậy, khi mà rất nhiều người Sài Gòn làm du lịch, hiểu rất lơ mơ về thành phố, rồi thì toàn làm tour đi các tỉnh. Muốn yêu, phải hiểu, mới cảm được.
Từ các danh thắng, món ngon đến trò vui. Tất cả có hồn, không vô tri như ta tưởng. Lâu nay, cứ nghĩ du lịch là đi xa, ra nước ngoài mà ít ai nghĩ du lịch tại chỗ, nơi mình ở. Quê mình có bao điểm đến ấn tượng, bất ngờ mà lâu nay ta như kẻ bạc tình, hời hợt.
Dự báo, bớt dịch, du lịch trong tỉnh thành với khoảng cách gần sẽ lên ngôi. Vừa tốn ít thời gian, chi phí thấp, vửa có dịp trải nghiệm và hiểu hơn quê mình. Người Sài Gòn phải hiểu về thành phố mình đang sống, mảnh đất hào nghĩa, đã nuôi dưỡng, cưu mang biết bao người dân Việt khắp cả nước, là “Hợp chủng tỉnh” của Việt Nam.
Du lịch Sài Gòn, có khi cả tuần chưa xuể. Về phương tiện thì có cả cá nhân lẫn công cộng; có cả đường bộ lẫn đường thủy. Thứ tự ưu tiên là dùng xe đạp, xe gắn máy, xe buýt, ô tô cá nhân và xe đoàn.
Thành phố có hệ thống sông, rạch, kênh chằng chịt, hơn 5.000km. Sài Gòn mang tên dòng sông đẹp, điệu đàng uốn quanh thành phố; bên cạnh các sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp và vô số kênh rạch ngắn dài khác nhau.
Chỉ tiếc là du lịch đường thủy chưa phát triển và có vị trí tương xứng với tiềm năng. Trừ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xem là kỳ tích sau khi cải tạo, đặt cống ngầm khổng lồ dài hơn 8km, thay trên 60km cống thu gom chất thải hai bờ, giải tỏa 11.423 hộ dân… để dòng kênh hồi sinh, lãng mạn.
Thích sôi động, đông vui thì lên du thuyền trên sông Sài Gòn, có ăn tối và ca nhạc tạp kỹ. Có tàu 3 tầng, chứa được gần ngàn người (Bến Nghé). Có tàu chỉ năm bảy chục đến vài trăm (Đông Dương). Đi riêng lẻ, gia đình hay nhóm bạn theo giờ xuất bến. Tổ chức sự kiện, MICE hoặc làm gì tùy thích, đi đâu và lúc nào cũng được thì thuê nguyên chuyến.
Cần thư giãn, muốn có không gian riêng tư, ấm cúng, thân mật thì chọn du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc với thuyền Phụng 2 – 4 người, thuyền Quy 6 – 10 người, du thuyền 25 – 40 người. Có sâm banh khai vị, hòa tấu violon, nhạc nước, ảo thuật mini và tha hồ selfie. Đây là tour độc bản ASEAN.
Thuyền chạy êm, không nghe tiếng máy để tiễn hoàng hôn, ngắm mưa, đợi trăng,“tắm trăng”, ngắm sao… Mỗi thời điểm, dòng kênh có nét riêng; từ màu sắc, ánh sáng, âm thanh đến mùi vị. Thoảng hương những món ăn từ các khu phố ẩm thực hai bên bờ, nghe gió Sài Gòn hào phóng, thấy mây Bến Thành lãng tử, cảm trăng Bến Nghé điệu đàng…
Có nhiều thơi gian hơn thì du thuyền hoặc đi cano xuống Cần Giờ, ngắm hệ thống cảng lớn trong vận tải đường thủy Việt Nam; qua thủ phủ yến Bình Khánh đến khu dự trữ sinh quyển thế giới, khám phá rừng ngập mặn với những huyền thoại của chiến khu Rừng Sác. Có thể đi tàu về với các tỉnh miền Tây, kết hợp với xe đạp hoặc ô tô ngang dọc sông nước Nam bộ.
Hoặc ngược dòng lên Củ Chi với hệ thống địa đạo lẫy lừng thế giới, kỳ quan của lòng yêu nước Việt Nam. Củ Chi có khu du lịch, hợp tác xã làng nghề; điểm đến ấn tượng, đậm đặc văn hóa Việt. Từ kiến trúc đặc trưng Bắc – Trung – Nam, các làng nghề cổ, ẩm thực dân gian, thế giới nấm, rau sạch trong nhà, bộ sưu tập tre (có loài tre lớn nhất thế giới)… Không gian khoa học – công nghệ – văn hóa 3 miền với những hạng mục độc đáo: cột cờ lớn, cổng Cổ Loa, “Đồi Trứng” (sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ), hồ cá chép hóa rồng, thác Bản Giốc, ruộng bậc thang…
Cũng có thể lên Thanh Đa, Thủ Đức, Bình Dương, Biên Hòa… Giá tour đường thủy luôn cao hơn đường bộ nhưng bù lại là những trải nghiệm bât ngờ, chỉ đường thủy mới có.
Dân Sài Gòn chính hiệu nhất định phải trải nghiệm tour Hop On Hop Off; ngoạn cảnh Sài Gòn với xe buýt 2 tầng. Xe xuất bến cách nửa giờ, có trạm dừng tại các điểm đến không thể bỏ qua. Từ chợ Bến Thành, Skydesk BIDV, bến Bạch Đằng, trụ sở UBND TPHCM, Nhà Hát thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, Dinh Độc Lập…
Lý tưởng nhất để tham quan nội đô là đi xe đạp, vừa rèn luyện thân thể, có thể dừng bất cứ ở đâu, lúc nào và điều chỉnh tốc độ di chuyển tùy thích, lại không tốn tiền xe lẫn tiền xăng. Ngoài các điểm ở quận 1, quận 3 thì phải vào quận 5. Ngoài chùa Bà Thiên Hậu; các phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông, lồng đèn Lương Nhữ Học; vàng bạc Nghĩa Thục…; quận 5 còn nhiều đểm bất ngờ. Đó là chùa Vạn Phật (đường Nghĩa Thục); nhà thờ Cha Tam (đường Học Lạc); nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, xây dựng từ 1882, nhà thờ cổ nhất Sài Gòn); chợ vải Soái Kình Lâm…
Sài Gòn có những điểm đến không đụng hàng như bảo tàng Fito (y học cổ truyền Việt Nam, quận 10); bảo tàng Áo Dài (quốc phục Việt Nam, TP Thủ Đức); bộ sưu tập đồng hồ hơn 30.000 chiếc (Bình Chánh); Lăng Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh); Nhà xưa nhất Sài Gòn (quận 3, xây dựng từ 1799); các nhà xưa của Biệt động Sài Gòn… Các tour Những cung đường cổ thụ, Hoàng hôn trên những chiếc cầu là bộ sưu tập trải nghiệm kỳ thú.
Cần Giờ có tour mới “Tắm rừng”. Đạp xe và trekking cho vã hết mồ hôi giữa rừng ngập mặn. Ban ngày, cơ chế sinh học của rừng tiết ra những hoạt chất giúp kích thích hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu hóa; rửa phổi, rửa mắt như liệu pháp xông hơi y học dân gian. Đạp xe cũng là cách giảm cân, giảm mỡ bụng hiệu quả.
Nhớ đến Thiềng Liềng, vùng đất lạ từ tên gọi đến cảnh quan. Đảo Thiềng Liêng là ấp lớn nhất nước, hơn 11.000ha, có 211 hộ, gần 1.000 người, làm muối, nuôi và đánh bắt thủy sản với ba không: không xe hơi – không bến xe – không tệ nạn. Chiều dài đường độc đạo hình ô van chừng 4km, như dải lụa, điệu đàng uốn quanh ruộng muối, sông, rạch; rừng ngập mặn. Làm diêm dân, tìm hiều quy trình nuôi thủy hải sản.
Nếu đi xe đạp về ngoại thành, nên ngủ qua đêm với dân hoặc mang theo lều camping dọc bờ sông, bờ kênh nhưng phải đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Đừng quên mang thực phẩm, cần câu cá, có kiến thức về rau dại, lá rừng để chế biến bữa ăn theo sở thích.
Ẩm thực Sài Gòn nổi tiếng khắp thế giới, cả ăn lẫn uống. Từ bình dân đến cao cấp, tùy theo gu mỗi người. Rồi thì từ ngồi bệt đến chọc trời, từ các hẻm nhỏ, đại lộ thênh thang, ven sông, ven hồ, ven biển đến các công viên với vô số view sáng tạo. Từ quán vườn ngoại thành ngát hương đồng gió nội đến đại lộ Đông Tây (quận 5), khu ẩm thực cao cấp (đường Phan Xích Long, Phú Nhuận); khu ẩm thực bình dân (đường Hoàng Sa, quận 3, bờ kè kênh Nhiêu Lộc). Sang hơn thì lên đài quan sát Landmark 81 Skyview (Bình Thạnh), thỏa thuê ngắm nhìn Sài Gòn lộng lẫy về đêm ở độ cao gần 400m.
Có đến hàng chục phố ẩm thực khắp Sài Gòn với nhiều món lạ, ngon, có thể kể đến như tiết canh sò huyết, gỏi lá lìm kìm, canh chua cá thòi lòi, chả ba khía, buffet hàu… ở Cần Giờ. Tôi khoái về Bình Chánh, đi hái đọt choại (rau choại) rồi chế biến và sáng tạo thành nhiều món mới. Tôi cũng mê ẩm thực Củ Chi với những món dân dã biến tấu từ khoai mì, rau móp, rau bép (lá nhíp) và nhất là kính thưa các món bò tơ.
Sài Gòn không chỉ có ẩm thực Việt Nam mà cả thế giới, toàn tinh hoa chọn lựa và được sáng tạo thêm. Shopping cũng vậy bởi muốn mua gì cũng có. Thành phố có nhiều chợ nhất Việt Nam và thuộc top đầu của thế giới. nào là từ chợ chồm hổm đến chợ đầu mối, từ sạp hàng bé tẹo chân quên đến các trung tâm thương mại hoành tráng châu lục. Từ chợ xưa bán đồ cổ, trao đổi hàng đến chợ Nga, chợ Cam, chợ Thái…
Thành phố gần như không ngủ. Bao năm nay, Sài Gòn hào nghĩa, năng động vẫn luôn mới mẻ, bất ngờ đang đợi mọi ngươi khám phá đấy thôi!
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)