NÚI BÀ ĐEN – “BÀI THƠ” TẠO HÓA
Núi Bà Đen, gọi tắt là núi Bà, quần thể rộng 24 km2, gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi cao nhất Nam bộ, bằng chiều dài của cầu Sài Gòn, trước đây cũng là cầu dài nhất Nam bộ. Không chỉ là danh thắng nổi tiếng, núi Bà còn là điểm hẹn linh thiêng của du lịch hành hương, đặc biệt vào dịp vía Bà đầu năm mới. Núi có nhiều chùa đẹp như chùa Điện Bà, Hạ, Trung, Thượng, Hang…cùng nhiều hang động hình tượng như Thanh Long, Ông Hổ, Ba Cô, Ba Tuần, Ông Tà, Thiên Thai, Chiến Sĩ…Các hang vốn là nơi ẩn cư của nhiều tu sĩ.
Địa danh Bà Đen gắn liền với nhiều truyền thuyết khác biệt nhưng đều qui về mối tình thủy chung son sắt giữa Lý Thị Thiên Hương và Lê Sĩ Thiệt. Có người kể Sĩ Thiệt theo Nguyễn Ánh. Người khác bảo Sĩ Thiệt phò Nguyễn Huệ? Có lẽ theo cách nhìn của mỗi người nhưng đều giống nhau ở chỗ Sĩ Thiệt là chàng trai khôi ngô, thao lược. Thiên Hương dù nước da bánh mật nhưng xinh đẹp, dịu dàng, nhân hậu. Mối tình của đôi “trai hào kiệt, gái đảm đang” hồn nhiên và dễ thương như cỏ cây vốn có. Khi Sĩ Thiệt xông pha trận mạc, Thiên Hương ở nhà bị bọn cường hào cưỡng bức nên gieo mình xuống núi thủ tiết. Có truyền thuyết lại kể, núi Bà xưa có tên là núi Một với nhiều thú dữ. Trên núi có tượng Phật bằng đá rất linh nghiệm. Người lên lễ Phật, trong đó có thiên Hương, phải đi theo đoàn để phòng cọp beo. Một lần cô bị bọn cướp vây bắt rồi mất tích. Các truyền thuyết đều giống nhau là sau khi chết, Thiên Hương về báo mộng cho mọi người tìm xác chôn cất và hiển linh để cứu nhân độ thế, được phong là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Chiến tranh đi qua, chùa chiền được tu bổ, núi Bà Đen trở thành thánh tích du lịch, tấp nập khách bốn phương.
Gặp ngày mây tạnh, trời quang; từ Củ Chi và Svayrieng (Campuchia), có thể nhìn thấy núi Bà cách xa hơn 40 km. Giữa bầu trời trong vắt, núi Bà như chiếc nón bài thơ khổng lồ úp xuống đồng lúa mượt mà xanh tơ. Từ Phnom Penh về Mộc Bài, du khách thường tìm chiếc “nón bài thơ” của tạo hóa, biểu tượng quá đỗi đáng yêu để đoán khoảng cách và nghe lòng bồn chồn vì sắp về tới quê mẹ, dù nhiều khi chỉ mới xa cách mấy ngày. Trong lịch sử quân sự, các điểm cao luôn có vị trí chiến lược sống còn, để khống chế, kiểm soát đối phương và khẳng định tâm thế làm chủ. Do vậy, trước 1975, núi Bà từng là nơi cát cứ của nhiều lực lượng. Dưới chân là lính Việt Nam Cộng Hòa dày đặc. Trên đỉnh là lính Mỹ bủa giăng. Cả 2 là gọng kềm phong tỏa lực lượng du kích ở giữa. Một bên hùng hậu, trang bị tối tân hiện đại, có cả trực thăng và pháo binh. Một bên khiêm tốn cả về lực lượng lẫn khí tài nhưng hơn hẳn về ý chí, lại được nhân dân cưu mang nên vẫn ung dung tồn tại thách thức. Dù bị càn quét và thiếu thốn trăm bề, các du kích luôn “xuất quỷ nhập thần”, nhiều phen làm kẻ thù “thất điên bát đảo”.
Tôi leo núi Bà Đen lần đầu năm 1996, lúc đó chưa có cáp treo. Ấn tượng hãi hùng của tôi là dọc dường lên núi, rất nhiều thương binh nằm la liệt, kêu rên thảm thiết. Toàn cụt giò ngang đầu gối, nhiều người còn tuổi thiếu niên. Thấy tôi trợn mắt kinh ngạc, chị Anh Đào, lúc đó là hướng dẫn viên của trung tâm Lữ Hành thuộc công ty du lịch Tây Ninh, kéo tôi ra ngoài nói nhỏ “Tụi nó giả bộ đấy. Đứa nào cũng khỏe như trâu”. “Nhưng bị cụt giò?”. “Cụt gì mà cụt, nó bó chân lại thôi. Anh không thấy tụi nó toàn mặc quần dài rộng thùng thình sao?”. Á, à, hèn gì cứ ngờ ngợ. Phải công nhận sáng kiến ăn xin độc đáo và tài hóa trang của cái bang. Còn nạn bán hàng rong đeo bám rất nhiệt tình thì đâu chả vậy. Anh Đào tâm tư “Tụi em đưa khách đi cũng xấu hổ lắm. Nhưng chị Tư Lan, giám đốc mới hứa sẽ dẹp loạn ăn xin đểu và bán hàng quấy rầy khách trong năm nay”. Tôi nghe chứ không nhớ, bởi kiểu hứa đó đã nghe rất nhiều nơi mà rốt cuộc cứ “Vũ Như Cẩn”.
Nửa năm sau, tôi lên lại. Cứ như có phép mầu. Cả đại đội thương binh biến mất. Mấy trung đội hàng rong đeo bám bỗng ngan ngoãn ngồi bán chứ không xung phong ra chặn lối ép mua. Hỏi thăm, tôi càng ngạc nhiên vì cách làm kiên quyết, có lý, có tình, biết dựa vào dân của giám đốc công ty du lịch Tây Ninh Trịnh Ngọc Lan. Tôi chưa gặp phụ nữ nào tâm huyết với du lịch và quyết liệt trong hành động như chị. Chị bảo “Mình phải kiên trì thuyết phục, phân tích tình lý, lợi hại của vấn đề. Ăn xin thì giải tán, kiếm việc khác cho họ, còn bán hàng rong thì sắp xếp lại, cấm tiệt đeo bám. Đa phần đều thấy hợp lý nên họ ủng hộ vì tất cả cùng có lợi. Số đầu têu, chăn dắt phải dùng biện pháp mạnh để cách ly”. Cái hay của chị là thuyết phục được mọi người ủng hộ, từ kẻ ăn xin đến người bán hàng rong. Từ giám đốc công an đến bí thư tỉnh ủy, dĩ nhiên chẳng dễ dàng gì. Có chị, du lịch Tây Ninh lột xác, khởi sắc mạnh mẽ. Sau 2 năm thi công, ngày 8.3.1998, hệ thống cáp treo đầu tiên của Việt Nam khai trương tại núi Bà. Ít ai hiểu hết những gian nan vất vả của người đi tiên phong. Từ việc lập dự án, xin ý kiến tỉnh. Vất vả nhất là thuyết phục sự ủng hộ của trung ương. Cùng lúc, khu du lịch núi Bà Đen có công viên giữ xe hoành tráng nhất nước, rộng hơn 8 ha. Rồi hệ thống phun sương làm mát cho du khách. Cứ nghe chỗ nào có cái hay, nước nào có cái mới là chị tìm cách tiếp cận để cầu thị học hỏi. Mỗi lần gặp chị, tôi như được tiếp thêm lửa. Bà Đen cũng là khu du lịch đầu tiên của Việt Nam có hệ thống máng trượt vào cuối tháng 4.2002.
Tham gia tour du lịch trong nước của Lửa Việt Tours quý khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cảnh đẹp ở 3 miền Bắc – Trung – Nam của Việt Nam.
Lần đầu lên núi Bà, leo đường bộ, đẫm mồ hôi mà vẫn hứng thú bởi cảnh đẹp như tranh. Lại được nghe líu lo chim hót, xem sóc chuyền cành và nhất là rất nhiều đệ tử của Tôn Ngộ Không khọt khẹt chạy ra chào đón. Thật ra, viếng chùa núi, phải leo bộ mới đã. Nghe nói leo bộ, ước nguyện cũng dễ được Phật chứng giám hơn. Chứ ngồi trên cáp treo, vèo một phát lên tới đỉnh, thì tâm thành lòng kính cũng rơi rớt dọc đường. Chưa kể, leo núi đường bộ là cách tập thể dục giảm mập rất hiệu quả, nhất là với phụ nữ. Kết quả thực nghiệm cho biết, leo núi nhiều, chân săn, đùi thon, mỡ từ vòng 2 sẽ trôi xuống vòng 3. Còn mỗi chút mỗi đi xe, thang máy, cáp treo thì đùi nhão, chân thỏng, mỡ từ vòng 1 và vòng 3 sẽ dồn vào vòng 2? Vào viếng hang Chiến Sĩ, đọc 10 điều tâm niệm của Phật, tôi giật mình phát hoảng. Ngẫm lại quá chí lý, liền chụp ảnh về viết thành thư pháp treo trong công ty để ngày ngày cùng anh em suy gẫm. Lâu nay, mình cứ mơ ước và làm ngược lại lời dạy của Phật. “Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục vọng dễ sanh.Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy.Sự nghiệp đừng cầu không chông gai, vì không chông gai thì chí nguyện không kiên cường…”
Đến Bà Đen, tôi khoái nhất mấy món : mãng cầu, thằn lằn và ốc núi. Tây Ninh có gần 5.000 ha chuyên canh mãng cầu, lớn nhất nước. Thương hiệu đặc sản mãng cầu Tây Ninh đã được cấp giấy chứng nhận. Mãng cầu Tây Ninh có hương thơm của hoa hồng, vị ngọt dịu thanh của sữa, năng lượng cao, độ PH trung tính và nhiều nguyên tố vi lượng; rất đặc trưng Bà Đen, không lẫn vào đâu được. Tôi cũng khoái các món chế biến từ thằn lằn và ốc núi Bà Đen, thậm chí từng theo cánh thợ quê săn bắt suốt đêm nhưng khi biết chúng là động vật hoang dã đặc thù cần được bảo vệ thì tự dưng thấy hết ngon. Lâu nay, mình đã vô tình góp tay tận diệt bởi tâm lý khoái thưởng thức món lạ. Dẫu rằng nghề săn bắt ốc và thằn lằn núi giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho cả trăm người nhưng có gì bất nhẫn và không ổn vì trái pháp luật, làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên vốn có. Tôi cũng từng lân la dưới chân núi, vào các xóm làm nghề phu chẻ đá, quá vất vả và rất nặng nhọc. Có xóm chuyên dò tìm kim loại từ bom mìn sót lại, cực kỳ nguy hiểm. Nhiều người đã sinh nghề tử nghiệp hoặc chết dần mòn vì những căn bệnh nan y do nghề nghiệp độc hại. Cứ băn khoăn ray rứt, làm sao để du lịch Tây Ninh phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng??
Trở lại núi Bà gần đây, tôi giật mình vì hệ thống phun sương làm mát từ lâu đã ngưng hoạt động. Đường leo bộ đầy rác. Hình như các nhà quản lý đã quên lãng cung đường tuyệt đẹp này. Nhà vệ sinh thì bẩn, quán xá lộn xộn, giá cả không niêm yết, hàng hóa hổ lốn…Phản cảm nhất là các nhà hàng lợp thiếc xô bồ. Màu son lòe loẹt cũng phá vỡ cảnh quan bình yên, cổ kính. Vào mùa lễ hội, rác rưởi ngập cả lối đi. Rất tiếc cho Bà Đen, đang dần đánh mất vị trí tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Năm 2006, Lửa Việt phối hợp với báo Thể Thao Văn Hóa, tổ chức giải “Chinh phục nóc nhà Nam bộ”. Ban tổ chức đã thành lập, kế hoạch được triển khai nhưng giờ cuối phải trả lại tiền tài trợ do phía Tây Ninh từ chối vì lý do lãng nhách “đang chờ nhập sở”. Có lẽ ai cũng lo giữ ghế nên từ Sở đến công ty du lịch lẫn núi Bà Đen đều không thể tham gia. Tiếc và buồn. Năm 2013 này, hy vọng sẽ khởi động lại tour “Chinh phục nóc nhà Nam bộ” mà trước đây từng dở dang.
Tôi đến Bà Đen nhiều lần, bằng cả đường bộ lẫn cáp treo. Mỗi loại hình, vào mỗi thời khắc khác nhau đều có cái thú vị riêng, rất đáng bỏ sức trải nghiệm. Nhưng ấn tượng nhất là đi cáp treo vào đêm trăng cuối tuần. Cực đẹp. Cảnh vật liêu trai, mờ ảo. Mùi nhang và trầm trộn hương ngọc lan và hương rừng nồng nàn mê hoặc. Tiếng mõ tụng kinh hòa với tiếng côn trùng rỉ rả, cây cỏ thầm thì và gió lặng lẽ hòa tấu với róc rách suối reo. Cứ ngỡ như đang bay giữa trời , thấp thoáng phố và trời, đèn và sao tung tăng trẩy hội. Điện Bà, buổi tối càng trở nên bí ẩn huyền hoặc. Hình như cả núi rừng đang hiệp thông quanh tượng Phật nhập Niết Bàn, sáng bừng giữa mênh mông trời đất.
*Nguyễn Văn Mỹ