LỄ HỘI TRUNG THU Ở CÁC QUỐC GIA CHÂU Á
Thường nói đến lễ hội Trung Thu, chúng ta thường nghĩ ngay đến một lễ hội dành cho trẻ em vui chơi, rước đèn. Ít ai biết rằng Tết Trung Thu là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất, độc đáo, diễnhàng năm ở một số quốc gia Châu Á: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Trung thu được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch (ngày 15 tháng 8 âm lịch) nhưng ở một số nơi, người dân đã chuẩn bị lễ hội trước đó hàng tháng với không khí háo hức, rộn ràng.
Tết Trung Thu (Chuseok) là lễ hội cổ truyền lớn nhất Hàn Quốc vào ngày trăng rằm của tháng 8. Người Hàn Quốc có câu “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” để ám chỉ rằng tháng 8 chính là dịp mùa màng bội thu, nhà nhà nghỉ ngơi, người người sum họp gia đình, không khí đầm ấm. Trong dịp lễ hội này, người Hàn có ba ngày nghỉ ngơi; những người ở các thành phố lớn đều trở về quê hương của mình để cùng đón Tết Chuseok với gia đình.
Tại Hàn Quốc vào những ngày này, người dân vẫn còn lưu giữ những phong tục truyền thống: charye (một nghi thức tưởng niệm tổ tiên bằng cách dâng lên bàn thờ chính món mebap – cơm gạo mới vừa thu hoạch – và tất cả các thành viên gia đình cùng quây quần, hưởng lộc tổ tiên ban tặng); Beolcho và Seongmyo (phong tục tảo mộ vào tiết thanh minh, khi các gia đình đến dọn dẹp và dâng lên bia mộ tổ tiên những mâm lễ hoa quả, ngũ cốc vừa được thu hoạch để tỏ lòng biết ơn).
Đây cũng là dịp người Hàn tổ chức các trò chơi truyền thống trong cộng đồng địa phương: Ganggangsulae (trò chơi này mang ý nghĩa cơ ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và người phụ nữ, ngày nay được tổ chức ở tỉnh Seonamhaean, các cô gái Hàn mặc hanbok nắm tay nhau thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa thể hiện sự duyên dáng, sức sống mãnh liệt của người phụ nữ); Juldarigi (kéo co); Ssireum (đấu vật); Olgesimni (tục treo ngũ cốc trước cửa nhà, thể hiện tính tuần hoàn của đất trời và ước nguyện mùa màng năm sau bội thu).
Bên cạnh đó, Tết Chuseok là dịp để thưởng thức món ăn truyền thống: Songpyeon (một loại bánh bằng bột gạo, có nhân làm từ vừng hoặc các loại đậu, gần giống với bánh trôi nước của Việt Nam); Toranguk (canh khoai sọ) và rượu Baekju (bạch tửu).
Đúng như tên gọi của Tết Trung Thu ở Nhật Bản, Otsukimi nghĩ là “lễ hội ngắm trăng”, có nguồn gốc từ Tết Trung Thu của Trung Quốc. Trung thu ở Nhật Bản có một điểm khác biệt là tổ chức 2 lần trong năm (vào ngày 15/8 và 13/9 âm lịch) vì người Nhật tin rằng, nếu chỉ ngắm trăng vào rằm tháng 8 thì sẽ gặp xui xẻo hay tai họa.
Cũng như ở Hàn Quốc, Otsukimi được tổ chức để cầu xin thần linh mang lại cho người dân mùa vụ tươi tốt, đã đi sâu vào đời sống tinh thần người Nhật và là cơ hội để làm phong phú tâm hồn trẻ thơ.
Nếu ở Việt Nam có chuyện cổ tích chú Cuội, chị Hằng thì ở Nhật Bản cũng có câu chuyện thỏ ngọc giã bột làm bánh mochi trên vương quốc mặt trăng bất tử. Câu chuyện bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ, khi Thượng Đế hóa thân thành ông lão để thử lòng các con vật. Cảm kích trước tấm lòng của thỏ ngọc đã hi sinh thân mình nhảy vào lửa để có thức ăn biếu tặng ông lão, Thượng Đế đã đem thỏ ngọc lên cung trăng sinh sống để người đời có thể ngắm nhìn và tôn vinh.
Otsukimi được tổ chức ấm áp trong phạm vi gia đình và bạn bè. Theo phong cách Nhật Bản, một đêm lễ Otsukimi không thể thiếu các yếu tố: nơi ngắm trăng (thường là trong vườn, trong phòng, hiên nhà); vật trang trí (thường là cỏ lau, được treo trước cửa nhà để xua đuổi ma quỷ); đồ cúng (dango – một loại bánh làm bằng bột nếp – có hình dạng như những ông trăng nho nhỏ, có ý nghĩa mang lại hạnh phúc, khỏe mạnh; ngoài dango, người Nhật còn cúng các loại rau củ khác (khoai tây, khoai môn) hoặc trái cây (nho) vì họ tin rằng chúng sẽ biến điều ước của họ thành sự thật.
ZHONG QIU JIE – TRUNG QUỐC
Là một trong bốn lễ lớn của người Trung Quốc, là dịp để mọi người trong gia đình đoàn tụ bên nhau, ăn bữa cơm “đoàn viên”. Một số nét đặc trưng của lễ hội Trung Thu còn được giữ gìn đến ngày nay: Bánh trung thu (xuất phát từ thế kỉ 14 với ý nghĩa mong muốn tiêu diệt quân Mông Cổ); mai mối (người Trung Quốc tin rằng mặt trăng chính là thần mai mối hiệu quả nhất cho những thanh niên nam nữ trẻ tuổi có cơ hội tìm hiểu nhau trong những buổi lễ hội hóa trang); chơi đèn lồng và ngắm hoa đăng (đây là hoạt động chính của Tết Trung Thu. Đây là hoạt động thịnh hành dành cho trẻ em, cùng người lớn trong gia đình tạo ra những lồng đèn đủ màu sắc, hình dạng từ giấy và tre. Trẻ em sẽ cùng vui chơi với lồng đèn dưới ánh trăng, tạo ra một không khí sinh động và đầy ắp tiếng cười); múa lân (không chỉ là điểm nhấn trong Trung Thu mà còn là một tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội của người dân Trung Hoa trên khắp thế giới. Con lân được tượng trưng cho uy quyền, trí tuệ và mang đến sự thịnh vượng, may mắn cho con người); thưởng trăng (tập tục này xuất phát từ một truyền thuyết thời Xuân Thu, một thiếu nữ xấu xí tên Chung Vô Diệm, được tiến cung làm hoàng hậu nhờ vào tài năng xuất chúng. Sau này, tất cả thiếu nữ đều có thói quen bái nguyệt, giống Chung Vô Diệm để được xinh đẹp như Hằng Nga. Ngày nay, nguyệt thần Hằng Nga được dân gian mô phỏng lại qua hình tượng mặt trăng cùng bồ tát và thỏ ngọc giã thuốc, được vẽ thành tranh bày bán trong các chợ để người dân mua về thờ cúng.
Còn tiếp…