Hoạt động công ty
13-09-2018

LẦN ĐẦU XUẤT NGOẠI

nguyen van my

Xuất ngoại, nôm na là đi nước ngoài. Thời bao cấp, xuất ngoại chỉ có thể là đi công tác, đi học ngắn (tập huấn) hoặc dài ngày (du học) và đi làm thuê, gọi văn vẻ cho oai là hợp tác lao động. Vượt biên là xuất ngoại…chui. Tôi được xuất ngoại chính danh một dạng khác : đi bộ đội sang Campuchia.

 

Sau mấy lần xung phong hụt, có lẽ do tôi là “gươm lạc giữa rừng hoa” của ban Thiếu nhi Thành Đoàn. Ngày 7.1.1979, tin chiến thắng dồn dập bay về. Thành phố tổ chức mít tinh mừng chiến thắng của bạn. Tôi được giao nhiệm vụ tìm thiếu nhi Campuchia đang tị nạn tại thành phố mời dự. Lùng sục khắp nơi, kiếm được mấy em về, chỉ để lên hô khẩu hiệu “Viet Nam -Campuchia samaki – chaychumnie” nghĩa là “Việt Nam -Campuchia đoàn kết chiến thắng”. Tháng 8.1979, tôi và mấy chục cán bộ Thành Đoàn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự muộn, bởi các bạn khác chỉ 17, 18 tuổi (cứ như thi đại học?). Lớn tuổi nhất là các anh Huỳnh Quí (sau này là luật sư, cựu phó tổng biên tập báo Pháp Luật thành phố và trưởng văn phòng Luật sư J & Q) và nhà văn Nguyễn Đông Thức. Cả 2 đều là phóng viên báo Tuổi Trẻ, lúc đó đã có gia đình và xấp xỉ 30. Anh Thức từng đi Thanh Niên Xung Phong đợt 1976. Lứa độc thân, cũng hăm mấy như tôi có Nguyễn Xuân Hán (ban Trường Học), Đào Phước Hùng (ban Công Nghiệp), Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Hữu Dũng (báo Khăn Quàng Đỏ), Nguyễn Văn Võ (Nhà Thiếu Nhi TP), Hà Như Dũng (Văn Phòng Thành Đoàn)…Tất cả đều lần đầu xuất ngoại.

 

3 tháng huấn luyện ở Quang Trung, học chính trị đã đời. Suốt ngày cứ tập diễu bính 1,2;1,2 và gấp mùng mền. Chiến thuật được học chay với lựu đạn gỗ và đánh trận giả. Ở đây, gặp đủ loại thanh niên. Có cả “sư đoàn ruồi” gồm các bạn bị giang mai, chẳng hiểu sao cũng được lùa vào, chắc chạy theo chỉ tiêu? Nghĩ lại vẫn rùng mình, chứ lúc đó không biết sợ. Họ ăn, ở chung với mọi người, đi tới đâu ruồi bu tới đó vì máu, mủ tè le như phụ nữ đèn đỏ. Chỉ khác là không phải tập quân sự. Trong lúc chờ ngày trả về nhà thì được giao chăn vịt, nuôi gà… Truyện ngắn “Người chăn vịt” của Nguyễn Đông Thức, viết tại quân trường, từ nguyên mẫu có thật trong đại đội, được giải thưởng báo Văn Nghệ Quân Đội. Đông Thức có nhiều tài lẻ như chơi bóng chuyền, đàn guitar, viết và kẻ chữ khá đẹp lại bị đau bao tử nên thường xuyên được miễn học, để ở nhà làm báo tường, kẻ khẩu hiệu…Việc tắm rửa, giặt giũ thiếu vệ sinh nên đứa nào “sột soạt luôn tay tựa gảy đàn”. Đứa nào cũng tự trào “Ở tận lưng quần anh có lác..” Hèn gì gọi là “lính lác”. Thuốc đặc trị chỉ có lá mần trầu non giã chung với muối, rất hiệu quả. Khổ nỗi, hết chỗ này, lại trầy chỗ khác. Canh toàn quốc, cơm nhiều bữa là bo bo, tết lễ mới thêm vài miếng mỡ. Chủ yếu là rau xanh. Có hôm ăn xong, dưới chảo canh là một chú cóc khô hay thằn lằn. Có khi dưới chảo cơm toàn lông chuột. Lạ là không thấy thịt hoặc xương chuột? Trưa và tối, nóng quá, tưới nước xuống nền, nằm bệt dưới đất hoặc nhúng mền vào nước để ngủ. Kiểm tra bắn đạn thật, mỗi đứa được 3 viên. Bia cố định, nằm ngắm, nheo mắt, nín thở, bóp cò mà có đứa ướt nhẹp quần; bắn 3 mà trật 2. Mới hay trong phim ảnh, người ta bắn nhau giỏi thật.

lan- dau xuat ngoai - nguyenvanmy

Rời quân trường, chúng tôi được xe chở thẳng, xuất ngoại sang Campuchia. Mùa khô, đất xác xơ, ruộng đồng hoang hóa, nhà cửa tiêu điều sau gần 4 năm bị diệt chủng. Còn nghèo hơn cả Việt Nam. Những người dân kham khổ và lam lũ, gặp bộ đội Việt Nam là nhoẻn miệng cười, ân tình và thân thiện. Tôi được điều về trung đoàn 117 Đặc Công, đóng ở vùng Phnom Toich (Núi Nhỏ), Battambang. Ngang nhà dân, gặp người lạ, chó sủa inh ỏi, quát mấy cũng không im. Cứ tưởng do chiến tranh nên chó bị điếc. Ghé nhà nào cũng vậy, chó sủa cứ sủa, người quát cứ quát. Mấy bữa sau mới vỡ lẽ, thì ra, chó Campuchia không biết tiếng Việt. Battambang là vựa lúa của Campuchia, mùa nắng, thiếu nước nên không có rau, không có cá cải thiện, thịt lại càng hiếm. Bữa nào cũng cơm ăn với muối trộn chút bột ngọt nên bị bón nặng. Thuốc men không có nhưng “cái khó ló cái liều?”. Anh em phát hiện ra phương thuốc chống bón rất hiệu nghiệm. Cứ trèo lên cây me, ních một bụng me chín chua chua ngọt ngọt là nửa giờ sau “Tào Tháo” sạch bụng. Tết đầu tiên ở nước ngoài, nhớ nhà muốn khóc. Dù cũng có bánh chưng, thịt heo, hạt dưa và mứt nhưng thiếu không khí quê nhà. Vì là tỉnh giáp biên giới nên có vài anh em rủ nhau xuất ngoại chui, vượt biên qua Thái. Thế là phải sàng lọc. Đứa nào lý lịch trong sạch, đa phần ở phía Bắc thì được ở lại tiền phương, khó khăn, ác liệt và dễ chết hơn. Đứa nào có người nhà tham gia chế độ Sài Gòn thì phải về nước lao động, được ưu tiên sống. Còn dạng như anh em Thành Đoàn thì được lùi về tuyến giữa. Tôi lại được điều về Trung Đoàn bộ binh 205 thuộc đoàn 7705, Mặt trận 479, đóng tại Siem Reap.

 

Ở Đặc Công, chưa kịp thuộc hết mấy bài quyền thì chuyển sang làm pháo thủ cối 82. Gọi là trung đội nhưng chỉ có 12 người. Ban đầu đóng quân ngay cạnh hồ Cá Sấu thị xã (giờ vẫn còn). Nhiều hôm phải lén giành thức ăn với cá sấu, kiếm mấy con cá tạp về chế biến. Sau về bảo vệ sân bay Siem Reap. Ở xa dân nên có hôm hết muối, phải ăn cơm với rau luộc suông. Không tài nào nuốt nổi. Bộ đội, tại sao không gọi là quân đội, là lính? Hay tại quân ta chỉ toàn đi bộ?? Khi đi thì hứa, 3 năm nghĩa vụ là về. Vào đây mới biết không phải vậy. Có người 6 năm chưa về nhà. Nhập ngũ 1972 – 1973, giải phóng xong, chuẩn bị về thì chiến tranh biên giới Tây Nam. Xong lại giúp bạn. Thời chiến, cả nước đánh giặc nên mọi việc giản đơn. Thời nay, bỗng phức tạp. Hậu cứ vẫn yên ổn hòa bình. Phía trước là gian khổ chết chóc nên tiêu cực nảy sinh. Phát hiện anh em trong đơn vị ăn cắp xăng máy bay để đổi đồng hồ, đồ dùng và thức ăn. Can xăng 30 lít là đổi ngang đồng hồ Rado chính hiệu. Tối ngủ, tôi cứ mơ thấy xăng chảy ồ ồ. Lại xót xa nhớ nhà máy xát lúa ở quê đóng cửa vì thiếu dầu, phải xay lúa bằng tay. Tôi họp chi đoàn tuyên chiến. Thấy không hiệu quả, gặp trực tiếp chính trị viên kiêm bí thư chi bộ. Được biểu dương, hứa hẹn nhưng cứ “Vũ Như Cẩn” vì chung duộc. Tôi vào gặp bí thư đảng ủy sân bay, vẫn điệp khúc cũ. Buồn, chán. Đành viết nhật ký để giải tỏa. Cuốn nhật ký bị tịch thu. Tôi hụt hẫng. Giờ nghĩ lại phát hoảng. Anh em thương, thấy mình vô hại, chỉ nói chứ chẳng làm được gì. Bằng không, chỉ cần ra trận, một phát đạn từ sau là “Tổ quốc ghi công, gia đình vắng vẻ”, “leo lên nóc tủ, ngắm gà khỏa thân” lâu rồi. Hú vía.

 

Cả tiểu đoàn chuyển về Sras Sroong (hồ nước trước đền Bantia Kday). Hồi đó, hồ đỉa tựa bánh canh. Xuống tắm rửa là cứ phải canh chừng để xua hoặc gỡ đỉa. Nhớ lần gặt lúa dưới hồ. Nước ngập ngực, lúa vẫn cao hơn. Đã cẩn thận đi giày, mang vớ, quần áo dài tay mà vẫn bị con đỉa trâu tổ chảng cắn ngay chỗ mang vớ. Con đỉa dài chừng 25 cm, bằng ngón tay cái, 2 ngày sau máu vẫn chảy. Con đỉa này mà đem xào lăn thì cả đại đội thay nhau ăn không hết!.Rồi đi khắp các huyện. Từ Varin, Bantia Srey, Puok, Chung Kan…Có lúc ở riêng, có lúc ở với dân. Cả tiểu đoàn vào chiến dịch, còn 4 đứa ở lại giữ cứ. Địch ngay trong dân, làm sao giữ nổi. Cứ chập tối, 4 đứa tỏa đi 4 ngã, tìm ụ rơm, khoét lỗ chui vào ngủ cho ấm. Nếu bị phát hiện, chỉ 1 đứa hy sinh. Tôi hiểu rằng, không thể thắng trong chiến tranh du kích. Khi ta đông, địch giấu súng, giả vờ cày bừa. Khi ta ít, địch xách súng phục kích rượt đuổi hoặc bắn tỉa. Bộ đội không lẫn vào đâu được, còn địch cứ lẫn vào dân. Tôi từng bị sốt rét ác tính, không có gì để ăn. Thuốc thì của Trung Quốc viện trợ, hết đát cả mấy năm. Khi lên cơn sốt, từng thèm được chết cho khỏe mà không được. Cả trung đội từng bị trúng độc vì ăn nhầm rau rừng, mấy ngày vần xổ toàn nước. 

 

Siem Reap có Biển Hồ (Tonle Sap lake), vựa cá đầy nhóc nhưng bộ đội phải ăn cá biển từ Việt Nam gởi qua. Mốc, thúi, dòi, đắng ngét… Vừa ăn vừa chửi như Chí Phèo, ăn không được vứt ra gốc cây. Mấy bữa sau, không có gì để ăn, lại đem vào nướng, nhâm nhi cho có chất mặn! Mỗi lần được phát đồ hộp, mì gói; ăn ngon một chút là chuẩn bị đi đánh nhau. Thế nào cũng có người chết. Chưa biết phiên đứa nào. Mới thấm thía câu hát “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Tôi từng chốt ở cổng Nam, Angkor Thom, suốt 2 tháng, bắn được 3 con chồn bay để cải thiện. Từng choảng nhau với địch mấy trận và suýt chết mấy lần. Từng cõng đồng đội hy sinh giữa 2 làn đạn. Có lần tưởng bị bắt sống. Đang ngồi nghỉ trước cửa nhà dân, địch từ trong nhà ra, bảo: “Boong tâng o, cui xnghiem, lơ đai lơng!” (Các anh ngồi im giơ tay lên). Cả nhóm á khẩu, bất động. Khi thượng úy Bình, tiểu đoàn phó vùng chạy, cả nhóm ùa xuống nước chạy, trườn, bò thục mạng. Địch bắn hơn mưa, chỉ mấy mét mà không chết đứa nào. Tôi may mắn được người yêu nhà báo, qua thăm, làm náo loạn cả mặt trận vì sự kiện động trời. Một cô gái Sài Gòn nhỏ bé, lặn lội, đi bộ cả chục cây số thăm bồ giữa chiến trường. Chúng tôi đã lết bộ, đi chung xe chở đầy bò, cứ sợ bò nổi đóa húc bất tử. Về SiemReap, mượn chiếc xe đạp, hóa trang thành dân, lận trái lựu đạn mini, liều lĩnh chở nàng tham quan Angkor. Đúng là tình yêu mạnh hơn cái chết.

 

Sau sự kiện lịch sử đó, tôi được điều về ban Tuyên Huấn trung đoàn, làm bản tin kiêm thợ chụp hình và lo hậu sự cho anh em nằm xuống. Sau cùng chuyển sang làm chuyên gia giúp bạn. Bộ đội hầu như ai cũng nhậu? Nhịn ăn nhịn mặc để nhậu rồi ói ra sạch bách. Hỏi “Tại sao nhậu?”. “Buồn quá!”. “Thế nhậu có hết buồn không?”. “Lúc nhậu thì quên nhưng sau đó buồn hơn!”. “Thế thì nhậu làm gì?”. Anh em nhậu, tôi chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Đành tự học tiếng Khmer với trẻ con cho đỡ buồn. Học tới đâu thực hành tới đó. Những từ trừu tượng thì học rất gian nan. Nhờ ở trong dân nên tôi hiểu biết nhiều về phong tục, tập quán của họ. Cả ca dao tục ngữ của người Khmer. Sau này làm du lịch, Campuchia là thị trường trọng điểm nên tha hồ thi thố. Tôi học được rất nhiều nghề ở bộ đội mà không tốn tiền. Quan trọng là mình biết tránh điều xấu và chọn cái tốt để học. Từ tiếng Khmer đến nghề chụp hình, đánh máy, viết báo, cắt kẻ chữ bằng kéo và dao lam, dán chữ trong hầm, nấu ăn, may vá…. Tôi cũng học được tính kiên nhẫn, sức chịu đựng, tinh thần đồng đội, sự tháo vát và tính cương trực của người lính. Từ giã chiến trường, tôi bớt tham – sân – si, biết quí trọng cuộc sống và hiếu thảo với người thân hơn. Trước cái chết, mỗi người sẽ hiểu rõ mình nhất.

 

 Gần 4 năm xuất ngoại, tôi về lại Thành Đoàn. Tự tin, chững chạc, tình nghĩa hơn và ăn nói cũng bạt mạng hơn. Chết còn chưa sợ nữa là. Từ đó đến nay, tôi xuất ngoại thêm mấy chục nước nhưng ấn tượng nhất vẫn là chuyến đầu tiên. Tôi thích làm từ thiện, tin vào luật nhân quả và cảm thấy mắc nợ những người đã chết. Nhiều người hỏi “Sao anh phải làm việc hùng hục như vậy? Sao anh yêu quí đất nước Campuchia quá vậy?”. “Bởi tôi phải làm việc thay cho những người nằm xuống. Vì đây là mảnh đất mà nhiều bè bạn tôi từng hy sinh. Họ đã chết cho tôi được sống. Đi đâu và làm gì tôi cũng nhớ điều đó!”.

*Nguyễn Văn Mỹ

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du Lịch Lửa Việt.

doanh nhan nguyen van my
  • Ngày sinh: 28/4/1955
  • Cung hoàng đạo: Kim Ngưu
  • Người tuổi Kim Ngưu cương quyết, thành thật, tính toán tỉ mỉ, có ý chí mãnh liệt, nhưng biết kềm chế và bền dai.

Một phẩm chất tuyệt vời là sự nhẫn nhịn phi thường, có thể hàng năm trời chịu đựng những căng thẳng thể chất hoặc tinh thần mà không hề than vãn. Căng thẳng càng lớn thì càng gan lỳ và bền bỉ.

Là người nồng hậu, thanh lịch, sôi nổi và thân thiện. Tính cách hài hước và thông minh, Kim Ngưu có rất nhiều bạn. Kim Ngưu sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và chia sẻ lúc khó khăn hoạn nạn.

Kim Ngưu thuộc cung mệnh thổ, và tình yêu đối với đất sớm muộn cũng biểu lộ. Tiếng gọi của đất mạnh mẽ đến nỗi họ luôn muốn đi ra khỏi thành phố, hay chí ít được dạo chơi nơi công viên xanh tươi cây lá.

Với Kim Ngưu, gia đình rất quan trọng.

Kim Ngưu nhạy cảm trong tình yêu, yêu hết mình và chân thành. Thông thường, họ cho nhiều hơn nhận. “Nửa kia” của họ thường là người cùng cung, cũng thông minh và có hoài bão như họ.

Món ăn ưa thích nhất: Tôi thích cơm trắng với cá kèo kho tộ, dưa giá và canh cá thác lác.

Loại đồ uống ưa thích: Nước khoáng nhẹ.

Sở thích khi rảnh rỗi: Cả nhà cùng vui.

Cuốn sách ưa thích nhất: Bộ sách giáo khoa “Lịch sử Việt Nam trước 1975” (mượn của các anh chị lớp trên, đọc thay truyện vì không có tiền mua). “Con sáo của em tôi”, của nhà văn Duyên Anh.

Bộ phim ưa thích nhất: Thích rất nhiều, vì nhiều phim rất hay, nên chưa thể chọn nhất.

Nơi ấn tượng nhất từng đến: Dubai (UAE), nơi tất cả đều có thể.

Điều ý nghĩa nhất từng làm cho bản thân: Đi xét nghiệm sức khỏe định kỳ và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Quan niệm về đồng tiền: Tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng nhiều thứ, trong đó có hạnh phúc không thể đánh đổi hoặc mua được bằng tiền.

Nếu phải chọn giữa một kỳ nghỉ ở biển cùng gia đình và một cơ hội kinh doanh mới: Tôi chọn cơ hội kinh doanh nếu tốt cho công ty, vì quyết định này liên quan đến đời sống của các gia đình nhân viên.

Kỳ nghỉ ở biển có thể muốn là được, nhưng cơ hội kinh doanh thì bất chợt, phải nắm lấy thời cơ.

Mơ ước thời thơ ấu về công việc sau này: Như những người sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, tôi mơ làm bác sĩ, nhưng không đủ tiền theo học nên muốn làm luật sư. Cả hai đều có mục đích là giúp người nghèo.

Hoàn cảnh đẩy đưa, nghề du lịch đã chọn tôi, nên tôi làm du lịch như một thứ tôn giáo nghề nghiệp.

Mong muốn về sự nghiệp sau này của con cái: Tùy theo sự lựa chọn của chúng. Tôi không muốn con cái làm đồ trang sức cho cha mẹ.

Thần tượng trong lĩnh vực kinh doanh: Tôi mến phục và học hỏi rất nhiều từ các doanh nhân thành đạt, cả trong và ngoài nước, nhưng thần tượng thì không!

Tuyệt đối không, lĩnh vực nào cũng vậy (trước đây gần hai chục năm thì có). Tất cả đều là con người, với hai mặt của cuộc sống.