HỌC NGƯỜI THÁI LAN CÁCH QUẢNG BÁ DU LỊCH NƯỚC MÌNH
Lâu nay, người Việt thích du lịch Thái Lan bởi giá rẻ, sự thân thiện, có nhiều thứ để chơi và mua sắm. Thật tình, tuyến điểm du lịch Thái không có gì đặc biệt, nhưng cách người Thái làm dịch vụ thì phải “tâm phục khẩu phục”.
Pattaya, thua xa nhiều bãi biển Việt Nam nhưng là trung tâm du lịch của Thái Lan bởi công nghệ giải trí. Land tour đi Bangkok – Pattaya chỉ khoảng 20 usd mỗi ngày, mấy năm nay chẳng những không tăng giá mà còn thêm dịch vụ. Tiền xe vận chuyển khách, đã có các cửa hàng mua sắm dọc đường trả dùm. Tất cả được đưa vào chương trình. Vừa dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh thoải mái, vừa mua sắm tùy thích với giá cả và chất lượng hợp lý. Cửa hàng nào cũng hoành tráng, cùng lúc đón cả ngàn người. Khách đến được đeo thẻ, đón tiếp niềm nở, tận tình. Khách nước nào thì nhân viên phục vụ nói tiếng nước đó. Ngoài việc góp chung tiền xe, từng cửa hàng đều trích hoa hồng thêm cho công ty và hướng dẫn viên theo doanh thu, dựa vào thẻ đeo của khách để tính. Việt Nam bắt chước nhưng làm theo kiểu cò con. Vì mặt bằng hẹp, làm ăn chụp giựt nên cứ khoán theo xe, đưa tiền trước và thi đua nâng hoa hồng, bất chấp doanh thu. Hậu quả khách hàng lãnh đủ, chỉ mua một lần là tởn tới già.
Người Thái quan niệm : “Ai đến Thái cũng là thượng khách nên phải hiệp lực giúp khách tiêu tiền trên đất Thái”. Không phân biệt của anh, của tôi; chỉ có của người Thái. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp du lịch, cả lữ hành và nhà hàng khách sạn để giảm giá thành. Họ lời chủ yếu nhờ khách mua sắm, nhờ hoa hồng và các show độc ngoài chương trình. Các lễ hội dành cho du khách, để du khách chủ động nên luôn sôi nổi, háo hứng; chưa về đã muốn trở lại. Thay vì giảm giá cho khách thì người Thái Lan lại kích cầu bằng cách thêm dịch vụ.
Vài năm nay, Pattaya khuyến mãi “buffet trái cây Suppatraland Orchard”. Ít nhất thêm một buổi tham quan và thưởng ngoạn. Vườn rộng hơn 200 ha, có đủ cây trái, rau củ trồng theo công nghệ sạch. Vé vào cửa 300 bath # 200.000 đ. Khai vị với nước dừa xay rồi lên xe điện ngao du tìm hiểu các loại cây. Tôi đã học được ở đây cách phân biệt cây chà là đực, cái; cách chọn trái cây ngon, cách ăn buffet trái cây…Tiệc trái cây tự chọn chừng 20 loại, theo mùa. Từ mận, ổi, chuối, xoài, bưởi, mít… đến măng cụt, sầu riêng. Cứ tha hồ chén. Có cả mấy loại trái cây chưa biết tên vì Việt Nam không có. Qua khu trồng rau củ thì tiếp tục chiến đấu với buffet rau củ sạch, ăn no vẫn thèm. Tính toán kỹ, chẳng khách nào ăn hết 200.000 đ cả. Khuyến mãi, khách no cành hông, nhớ đời; còn nông dân Thái có thêm việc làm, thêm thu nhập. Chả bù cho khách Việt, về miệt vườn thưởng thức trái cây mà lèo tèo vài thứ rẻ tiền. Bởi mỗi phần 6.000 đ nên chỉ nếm thử cho biết mùi vị.
Tháng trước, tôi đưa các thầy cô và đồng nghiệp ở khoa Ngữ Văn, đại học Sư Phạm thành phố đi Thái Lan. Tôi chỉ làm tour leader, còn tour guide là Somchai Phanyuenyong. Cứ tưởng hướng dẫn viên U 60 như mình xưa nay hiếm. Ai dè, Somchai còn hiếm hơn, U70, tóc râu bạc phếch. Không chỉ lớn tuổi, Somchai còn bị teo cơ. Mới gặp, tôi hơi oải nhưng sau đó mới biết mình lầm to. Tôi đã học được ở Somchai nhiều thứ. Anh thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Nói tiếng Việt chuẩn hơn nhiều người Việt và viết chữ Việt khá đẹp. Các thầy cô ngữ văn Sư Phạm cũng phải công nhận. Am tường lịch sử cả Thái lẫn Việt. Đặc biệt là nghị lực vượt khó và không hề mặc cảm. Anh để tóc dài, buộc túm đuôi gà, ria mép vểnh theo kiểu Napoleon đệ III. Không chỉ là hướng dẫn viên kỳ cựu, anh còn là dân caravan thiện chiến, chuyên cưỡi Harley 1.300 cc dong ruỗi khắp Asean. Anh hào hứng kể, lần caravan qua Lào, vào Quảng Trị, đến Huế. Thấy anh ngồi trên xe phong độ, lịch lãm, nói tiếng Việt như gió và rất có duyên nên nhiều em chân dài đến vây quanh tám. Bạn bè nhắc “Mày không được xuống xe”. Mãi tán chuyện, quên béng lời dặn, đến khi đi vệ sinh, các em phát hiện chàng Somchai đẹp trai nhưng có dáng đi chấm, phẩy nên thất vọng lãng ra.
Somchai có lối kể chuyện dí dỏm rất Việt. Anh bảo vì nhà hồi nhỏ bên cạnh sứ quán Việt Nam nên học và thực hành tiếng Việt từ bé. Tour nào anh cũng phát cho mỗi khách mấy trang photo viết tay những câu tập nói thông thường, từ tiếng Thái, qua tiếng Anh đến tiếng Việt. Rồi những điều dặn dò khách cần lưu ý, cụ thể mà thiết thực. Somchai có biệt tài khi góp ý về những mặt chưa tốt. Nói gì cũng “người Việt mình”. Cách dẫn chuyện kiểu tiếu lâm thực tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc, chân tình. Nào người Việt mình đi cầu thang, khách chưa ra đã ùa vào. Ăn buffet không sắp hàng, mà thích chen ngang dưới nách Tây. Hay mặc đồ bộ (thật ra là đồ ngủ) ra chợ)…Anh kể nhiều chuyện vui do ngôn ngữ bất đồng. Tiếng Việt “lui” thì tiếng Thái là “xung phong”, “má” là “chó”, “đồ đạc” là “cong đít”, “tai” là “chết”…Tôi cũng học ở anh nhiều điều tâm đắc. Từ tác phong chuyên nghiệp, đúng giờ, hết lòng nhưng không chiều khách quá đáng. Cả cách xử lý tình huống, bình tĩnh, chững chạc, thấu tình đạt lý. Anh bị teo cơ chân mà nhanh nhen, thoăn thoắt. Phải có lòng đam mê và nghị lực vượt khó mới đeo đuổi nổi cái nghề vất vả cực nhọc này.
Đoàn gặp sự cố ngoài đảo San Hô, Pattaya. Dù đã nhắc đi dặn lại rằng ra đảo không sử dụng dịch vụ bên ngoài, coi chừng bị trấn lột. Có gì cứ liên hệ với hướng dẫn viên. Chẳng hiểu 3 cô giáo trẻ bị tán tỉnh rủ rê thế nào mà tự trả giá rồi đi mô tô nước. Đi xong khóc ròng cầu cứu vì buộc phải trả mỗi người 300 usd cho 10 phút dại dột. Còn bảo ban đầu họ bảo chỉ 300 bath # 10 usd cho cả 3 người. Giá vé chính thức là 1.500 bath mỗi người. Ai lại dễ dụ như vậy. Hướng dẫn viên cũng chào thua vì đã dặn kỹ rồi. Toàn bọn đầu gấu, ai cũng sợ dây dưa vì còn gặp chúng dài dài. Sau một hồi thương lượng, tên đầu tiên đeo kính đen, ngổ ngáo như cột nhà cháy dở, lạnh lùng phán : “200 usd mỗi người. Kỳ kèo thêm là tăng gấp đôi. Không có tiền thì người ở lại, mang tiền ra chuộc”. Cả đoàn phải huy động đủ 600 usd để cống nộp, coi như học phí ngu của mình. Nhiều người bức bối, vỡ mộng vì tưởng chỉ Việt Nam mới có trấn lột kiểu đó. Vừa tiếc tiền, vừa thất vọng vì du lịch Thái Lan.
Khi sự cố xảy ra, tôi lập tức điện thoại cho văn phòng đại diện Tổng Cục Du Lịch Thái Lan (Tourist Assosiation of Thailand – TAT) tại Sài Gòn. Họ ghi nhận, bức xúc và hứa sẽ rốt ráo giải quyết. Hôm sau đoàn về Bangkok, hôm sau nữa tham quan cố đô Aytthaya – di sản văn hóa thế giới. Khách Việt hiếm khi đi tuyến này, dù chỉ cách Bangkok 76 km. Cả kinh đô trù phú, một thời hưng thịnh, hoang tàn sau cuộc chiến tranh xâm lược từ Myanmar vào năm 1767. Sự tàn phá ở Aytthaya gấp mấy lần người Thái từng gây ra ở Angkor vào đầu thế kỷ XV. Âu cũng là luật nhân quả. Buổi chiều đi chợ nổi. Khác với chợ nổi tự nhiên ở Nam Bộ, người bán kẻ mua đều đi thuyền, chợ họp trên sông. Còn chợ nổi Aytthaya là chợ ven kênh. Có khu bán hàng trên cù lao nhỏ xíu, còn đa phần người bán ven kênh, người mua toàn đi bộ. Lâu lâu, có vài chiếc thuyền nhỏ chở khách dạo chơi, xem thiên hạ tấp nập mua sắm. Chủ yếu là hàng lưu niệm, thủ công, quần áo và thực phẩm. Chen chúc giữa cái nóng hầm hập, tôi bỗng thèm vài cơn gió nhẹ và cái mát điệu đàng của vùng nhà vườn quận 9. Mong ước làm chợ nổi kiểu Aytthaya ở quận 9 để kéo khách Sài Gòn ra đổi gió, ăn chơi và mua sắm, chẳng biết tới bao giờ mới thực hiện được?
Ăn tối xong, về tới khách sạn hơn 20g, đã thấy anh Huỳnh Đăng Khoa, đại diện TAT tại Sài Gòn ngồi đợi đoàn cả tiếng. Anh thay mặt lãnh đạo TAT, gởi lời xin lỗi và chia sẻ với khách về sự cố rồi xin phép chụp ảnh người bị nạn, thu thập chứng cớ và hứa sẽ truy đến cùng thủ phạm. “Lâu nay, TAT có nghe nói về tệ nạn này nhưng không có bằng chứng cụ thể. TAT rất cám ơn đòan đã cung cấp thông tin và xin gởi tặng 3 người, mỗi người một phần quà, thay lời muốn nói”. Ai cũng khen cách hành xử tinh tế, nhanh chóng và đẹp mắt của TAT. Đó là nghệ thuật biến rủi thành may, tạo nên sự khác biệt đẳng cấp về cách xử lý tình huống xấu. Lại nhờ, sau Tết con Rồng, đưa khách đi tour Cao – Bắc – Lạng. Buổi sáng, du thuyền trên hồ Ba Bể. Chủ thuyền trở mặt, đòi giá gấp đôi. Tôi điện thoại cầu cứu Tổng Cục, được hướng dẫn và cho số điện thoại của Phó giám đốc sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch Bắc Kạn. Gọi đến Phó giám đốc sở lại được hướng dẫn và cho số điện thoại của giám đốc hồ Ba Bể. “Tôi đã gặp giám đốc hồ, không giải quyết được nên mới nhờ các anh”. “Thế thì tôi cũng chịu, anh thông cảm...”. Đành bấm bụng, trả giá gấp đôi sau khi để khách chờ cả giờ và nhờ cậy đủ cấp. Quản lý kiểu đó, hèn gì du lịch Việt Nam cứ lạch bạch như chim cánh cụt chứ không thể tung cánh đại bàng.
*Nguyễn Văn Mỹ.