HOANG SƠ BÌNH LẬP
Có 3 cung đường đi đến Bình Lập – Cam Ranh:
- Khởi hành từ Cam Ranh: Từ sân bay Cam Ranh, bạn đi qua QL1A để vào đường DT702, hướng vào vịnh Vĩnh Hy. Cung đường này hơn 40km với tầm nhìn bao quát vịnh Cam Ranh. Mất khoảng 1 giờ chạy xe. Tuy nhiên vì cung đường này đi qua QL1A nên có rất nhiều xe lớn khá nguy hiểm.
- Khởi hành từ Phan Rang: Từ thành phố Phan Rang, đi tiếp trên QL1A cũng tầm 40km đến trạm xăng dầu 74 quẹo phải vào DT702 và đi theo hướng vào resort Ngọc Sương là đến. Cũng giống như đường đi từ Cam Ranh, đoạn này đi trên QL1A nên khá nhiều xe lớn rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cung đường này ôm một vòng núi Chúa, đi qua Kiền Kiền có nhiều cảnh đẹp, nếu thích bạn có thể tạt vào khám phá suối Kiền Kiền vô cùng thơ mộng.
- Cung đường ven biển: Cũng khởi hành từ thành phố Phan Rang nhưng bạn băng qua đầm Nại, đầm Vua và đi vào vườn quốc gia Núi Chúa trên cung đường DT702, đây là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam mà bạn không thể bỏ qua. Với độ dài khoảng 65km, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bên núi, một bên biển với những khung cảnh vô cùng ngoạn mục. Cung đường này trước khi vào Bình Lập sẽ đi qua hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, suối Nước Ngọt, cảng Ba Ngòi đi Bình Ba, bãi Kinh đi Bình Hưng, thôn Bình Tiên và vô số các bãi tắm mê hoặc những người yêu biển như bãi Chuối, bãi Nước Ngọt, bãi Bình Tiên… Vì đoạn đường nhiều đèo dốc, chỉ có đa số xe du lịch và xe máy nên khá vắng. Nếu chọn cung này, bạn nên kiểm tra xăng trước khi đi nhé.
Nhìn trên bản đồ, có vẻ như thiên nhiên ưu ái ban cho Khánh Hòa hai “ống tay áo” đối xứng nhau vươn ra biển rất ngoạn mục với hai làng chài cuối cùng: phía bắc là Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh và phía nam là Tàu Bể, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, Cam Ranh. Đầm Môn được du khách biết đến nhiều, còn Bình Lập vẫn hoang sơ.
Bình Lập cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 90km. Ngày trước muốn đến đây phải đi ghe mất hai giờ từ cảng Ba Ngòi bởi thôn này nằm biệt lập với đất liền, sau lưng là núi, trước mặt là biển khơi mênh mông. Dân cư sống rải rác trên ba khu vực là Bãi Ngang, Bãi Lao và Tàu Bể. Một con đường vòng lên núi dài hơn 10km được mở năm 2007 nối liền từ UBND xã Cam Lập vào tận làng Tàu Bể là điểm cuối cùng của Bình Lập.
Khi bắt đầu lên dốc, một khung cảnh rất đẹp hiện ra trong tầm mắt. Nhìn xuống bên dưới những ô vuông nuôi trồng thủy sản, rừng dừa, xa xa là biển xanh. Con đường quanh co đèo dốc, một bên là núi với những tảng đá thật to, cây rừng trùng điệp, một bên là biển thấp thoáng xa xa.
Tận cùng con đường là làng Tàu Bể, nơi tập trung dân cư đông nhất Bình Lập. Nghề chính của người dân ở đây là đánh bắt thủy sản. Hôm ấy, chúng tôi không dừng lại làng Tàu Bể mà quay trở lên và chọn địa điểm cắm trại ở bãi tắm Bình Châu.
Bãi tắm khá đẹp có tên là Bãi Ngang. Từ bên trong nhà mát nhìn ra bờ cát trắng mịn, sạch, mặt biển phẳng như gương, nước xanh biếc, gió mát dịu, nhẹ.
Chúng tôi bắt đầu đi bộ khám phá. Bờ biển nơi đây hình vòng cung, điểm cuối của vòng cung Bãi Ngang là một bãi đá rất đẹp, nước trong xanh thấy tận đáy. Những tảng đá to đủ hình thù mà tùy theo trí tưởng tượng của con người có thể đặt tên cho nó. Có tảng đá giống như con tê giác, có tảng hình chim cú mèo…
Có những tảng đá thật lớn, trên đó có những vết lõm kỳ lạ giống như vết lõm “bàn tay ông khổng lồ” ở Hòn Chồng, Nha Trang. Đứng trên tảng đá cao nhất nhìn xuống bên dưới chỉ toàn đá, quanh năm sóng vỗ, đẹp, hùng vĩ. Xa xa là núi và những chiếc thuyền đánh bắt, thiên nhiên hoang sơ và thanh bình.
Bãi Lao (còn gọi là bãi Mũi cây nhao), một bãi biển đẹp và hoang sơ khác nữa, nước trong xanh, sóng êm. Đây là một vòng cung khác tiếp nối với Bãi Ngang tạo nên bờ biển có hình chữ ômêga rất ngoạn mục. Đi hết bãi Mũi cây nhao sẽ đến được điểm cuối cùng là làng Tàu Bể.
Theo kinh nghiệm của dân du lịch bụi, muốn khám phá hết vẻ đẹp của Bình Lập nên bắt đầu đi từ đảo Bình Ba (vốn nổi tiếng có tôm hùm ngon) rồi vòng vô bán đảo Bình Lập đi kết hợp nhiều phương tiện. Đến đây nên mang theo máy hình chụp dưới nước vì không thể bỏ qua những hình ảnh tuyệt vời dưới đại dương.
Trước đây, Bình Lập còn nổi tiếng là điểm đến của những người đi tìm đá quý. Họ cho rằng địa thế của Bình Lập nằm dưới chân núi Chúa (giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận) nên trong rừng, dưới các khe suối thường tích tụ nhiều đá quý.
Có người hỏi so sánh thế nào giữa Bình Ba và Bình Lập, bản thân tôi thấy thật khó bởi mỗi nơi có sắc thái riêng, nét hấp dẫn riêng. Nhưng nếu đi để khám phá thì tôi chọn Bình Lập. Biển ngay trước mặt nên hải sản ở đây tươi, ngon.
Các món ăn chế biến từ hải sản như tôm, cua, sò, ốc, cá… giá khá mềm. Trong nhà mát có một dãy bàn dài để ăn uống và có cả võng, ghế bố. Nếu không mua thức ăn ở đây, du khách vẫn được cho mượn bếp để nướng thịt và tôm, chi phí này bao gồm cả tắm nước ngọt…