ĐỨNG MỘT CHỖ – TẮM BIỂN HAI TỈNH
Đọc tiêu đề, nhiều người tưởng chuyện tiếu lâm. Có người nhanh nhẩu “Dễ ẹc, múc nước biển của 2 tỉnh về, đứng dội”. “Không, ngoài biển đàng hoàng”. “28 tỉnh thành của Việt Nam có bờ biển, cứ chọn ranh giới 2 tỉnh mà đứng tắm”. “Nếu thế thì nói làm gì, tắm biển đại kiểu đó, không rõ nông, sâu, vực xoáy; nguy hiểm lắm. Tắm phải có bãi đàng hoàng”. “Chịu!”. Ai nghe nói điều này chưa nhỉ? Tôi đã nghe và đã đến bãi tắm Lưỡng Quảng, cạnh sân bay Chu Lai.
Gọi là Lưỡng Quảng bởi bãi tắm có chung chủ đầu tư, nối bãi Rạng (Nam Quảng Nam) và bãi Khe Hai (Bắc Quảng Ngãi). Từ trên máy bay, biển điệu đàng trong nắng, xanh ngọt mượt mà như giành màu với trời. Thấp thoáng sau mấy rặng phi lao là những biệt thự lịch lãm, các dãy nhà phố và nhà ngói xinh xắn. Nằm sát cạnh sân bay nhưng không ồn ào vì đường cất và hạ cánh của máy bay hướng khác. Cả bờ biển cát trắng mượt mà, dài khỏang 12 km (tương đương chiều dài biển Mũi Né hoặc Hòn Rơm ở Phan Thiết) không có dân ở. Biển hoang sơ, e ấp, tĩnh lặng và đẹp đến nao lòng; tắm chỗ nào cũng được, có thể xa bờ cả trăm mét. Cứ đứng một chỗ, quay mặt ra biển thì bên trái Quảng Nam, bên phải Quảng Ngãi và ngược lại. Có người tinh tế còn quả quyết, dù chung bãi nhưng biển mỗi tỉnh đều có cái riêng? Tôi chưa cảm nhận được điều này nhưng mỗi thời khắc trong ngày, biển đều có “trang phục” và tính cách riêng. Đẹp nhất là bình minh với ngọt ngào nắng ấm, dịu thơm hương biển nồng nàn. Hoặc phiêu bồng hoàng hôn với vị đất thanh tao và mơn man gió biển.
Chu Lai resort (bãi Rạng) có hồ bơi, ấn tượng với tường bằng đá ong, phòng biệt lập, nhỏ nhất cũng 32m2. Bên cạnh là Phi Trường resort với những bàn gỗ tròn và giường ngủ nguyên khối dày hơn 2 tấc. Đường kính bàn hơn 2m; giường ngủ ngang 1m6, dài 2m2. KDL Thiên Đàng (bãi Khe Hai) giữa rừng dương lãng mạn và từng cụm 4 – 5 phòng chung một khối nhìn ra biển. Gỗ, đá và gỗ hóa thạch là những chất liệu tạo nên phong cách độc đáo riêng cho từng khu. Chu Lai – Thiên Đàng còn có bảo tàng Chăm lớn nhất châu Á và bảo tàng Sa Huỳnh duy nhất của thế giới với hàng chục ngàn hiện vật. Toàn cổ vật gốc, ai đến tham quan cũng sững sờ kinh ngạc. Những ngày đẹp trời, có thể nhìn thấy đảo Lý Sơn, cách Chu Lai – Thiên Đàng chừng hơn 20 km.
Phong cách độc đáo của KDL Thiên Đàng
Chất lượng dịch vụ ở Chu Lai – Thiên Đàng chưa thể sánh với các KDL cao cấp nhưng chất lượng phục vụ và môi trương thân thiện, đặc biệt là không khí trong lành thì hơn hẳn. Tắm biển không sợ bị làm phiền, giá cả bình dân , hải sản tươi rẻ…rất thích họp với du lịch nghỉ dưỡng, rửa phổi, phục hồi sức khỏe. Đây cũng là nơi tổ chức du lịch MICE lý tưởng, từ vài chục cho đến cả ngàn người, bởi không gian độc lập, xa khu dân cư. Không gì thú vị bằng việc tham gia câu cá, câu mực, mò cua, bất nghêu, bắt còng…theo kiểu thủ công truyền thống với sự hướng dẫn của ngư dân. Sau vài giờ “chiến đấu” kiên nhẫn, sướng nhất là được tự chế biến và thưởng thức chiến lợi phẩm, cùng người thân và bè bạn, bên ánh lửa bập bùng. Dọc bãi tắm, rất nhiều cây sâm biển mọc hoang. Lá sâm biển ăn với bún riêu còng thì bá cháy. Thức uống, có sẵn mấy cây vối quanh phòng.
Khám phá Chu Lai – Thiên Đàng, tốt nhất là đi xe đạp vì diện tích quá rộng. Đi bộ không xuể, ô tô thì không thể dừng nghỉ và chụp ảnh tự sướng bất cứ chỗ nào mình thích. Nhiều cặp đôi, chọn không gian đặc trưng này để chụp ảnh cưới, thường được khuyến mãi thêm phòng VIP để hưởng tuần trăng mật. Có cặp hâm hôn để ôn lại một thời say đắm, làm nóng lại tình yêu đang có phần nguội lạnh bởi cuộc sống xô bồ. Khách thường bay từ Sài Gòn hoặc Hà Nội đến Chu Lai và nghỉ ngơi ở Chu Lai resort. Hôm sau đi cảng Sa Kỳ, xuống tàu cao tốc, mất chừng 40 phút là đến Lý Sơn. Huyện đảo Lý Sơn rộng 9,97km2; dân số chừng 22.000 người, có 2 đảo và 3 xã. Đảo Lớn có xã An Vĩnh và An Hải, đảo Bé có xã An Bình. Đảo có nhiều miệng núi lửa, chỗ nào cũng có đá ong. Ven biển là các bãi đá đen, còn gọi là đá cháy vốn, là nham thạch núi lửa.
Một góc Lý Sơn
Lý Sơn là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa, bảo tàng sống về chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở biển Đông với rất nhiều di tích và thắng cảnh. Âm Linh Tự và quần thể Mộ Gió – nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa và các chiến binh từng bỏ mình trên biển. Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch tự) trong hang đá tự nhiên, xây dựng cách đây hơn 300 năm. Chùa Đục, dưới chân miệng núi lửa, có tượng Phật Quan Thế Âm cao 27m nhìn ra đảo Bé. Nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có nhiều hiện vật quý, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. Chiều lên đỉnh Tò Vò ngắm hoàng hôn, còn sáng sớm lên đỉnh núi Thới Lới đợi bình minh và xem Lý Sơn rộn rã ngày mới thì thật tuyệt. Thới Lới là miệng núi lửa khổng lồ, xưa có nguyên rừng cây cổ thụ, giờ là hồ chưa nước.
Cổng Tò Vò
Chu Lai nằm giữa thành phố Tam Kỳ và thành phố Quảng Ngãi, cách nhau chừng 30 km. Mỗi nơi đều có nhiều điểm hẹn kỳ thú và lắm món ngon không thể bỏ qua. Quảng Ngãi có Trường Lũy, di tích quốc gia đặc biệt làm bằng đá và đất, chạy dọc thượng đạo xưa, từ Trà Bồng – Quảng Ngãi đến An Lão – Bình Định. Các danh thắng như núi và chùa cổ Thiên Ấn, mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, thành cổ Châu Sa, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh; di tích lịch sử như Mỹ Lai, nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, khu di tích Đặng Thùy Trâm…Quảng Nam có cố đô Trà Kiệu (vương quốc Lâm Ấp) với nhiều tháp Chăm cổ, hồ Phú Ninh, mỏ vàng Bồng Miêu, thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An…
Đến Chu Lai – Thiên Đàng, tha hồ chọn lựa món ngon Lưỡng Quảng. Từ mì Quảng, cao lầu Hội An, bê thui Cầu Mống, gà Tam Kỳ…đến cá bống trứng, cá thái bai sông Trà; gỏi cá trích, cá cơm; các món don; mắm nhum, đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương và tỏi Lý Sơn. Vé máy bay khứ hồi từ Sài Gòn và Hà Nội đi Chu Lai vào đầu tuần chỉ hơn triệu. Chu Lai – Thiên Đàng cũng đang tham gia kích cầu du lịch, ngày thường mua 1 tặng 1, cuối tuần mua 2 tặng 1, có xe đưa đón sân bay. Mọi thứ đã sẵn sàng, mở rộng vòng tay, đón chào du khách.
* Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)