DU LỊCH BÌNH THUẬN CẦN ĐI BẰNG 2 CHÂN
Nói vậy, có người cắc cớ vặn lại “Thế lâu nay du lịch Bình Thuận đi bằng một chân à?”. Gần như vậy. Gắn bó với du lịch Bình Thuận từ ngày đầu chập chững, tôi hiểu rất rõ những thành tựu và sự phát triển kinh ngạc của ngành công nghiệp không khói tỉnh nhà.
Từ con số không, với vài khách sạn cỡ 2 sao trừ vào năm 1995 như Phan Thiết, 19/4. Khách đi chừng trăm người là tìm không ra chỗ ở. Hơn 20 năm sau, Bình Thuận trở thành trọng điểm của du lịch cả nước, có thể đón cùng lúc hơn 30.000 người, có chỗ ở tươm tất và phục vụ chu đáo. Vào các khu vực như Hàm Tiến, Hòn Rơm (thành phố Phan Thiết), Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam), không ai hình dung nổi 20 năm trước đó. Du lịch đã biến những vùng quê nghèo khó, thiếu cả đường lẫn điện thành các thị tứ sầm uất nhộn nhịp. Là cách “xóa đói giảm nghèo” nhanh và hiệu quả nhất.
Bình Thuận đã làm cuộc cách mạng về du lịch từ 1995. Thành quả đạt được ai cũng thừa nhận. Gần đây, sự tăng trưởng có vẻ khựng lại và bộc lộ những bất cập. Từ cấp quản lý đến các nhà đầu tư và các đơn vị dịch vụ. Lẽ thường, khi ta chậm chân hoặc dừng lại thì thiên hạ sẽ qua mặt. Chưa bao giờ ngành du lịch được chính phủ và các địa phương quan tâm như hiện nay. Các tỉnh thành đang chạy đua âm thầm mà quyết liệt về du lịch. Mọi người nhận ra, phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch là con đường đúng đắn để kinh tế tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường sống.
Du lịch Bình Thuận lâu nay chỉ đi bằng một chân là Biển. Chân còn lại là mảng du lịch sinh thái gần như chưa đụng đến. Ngay cả du lịch biển cũng cần phải điều chỉnh qui hoạch. Việc đầu tiên phải làm là thay đổi tư duy về quản lý và phục vụ du lịch. Từ lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên. Có một cuộc cách mạng về du lịch đang diễn ra ở tỉnh Đồng Tháp. Ngoài việc thành lập Trung tâm Phát triển Du lịch trực thuộc UBND tỉnh bên cạnh Trung tâm Xúc tiến & Đầu tư; tỉnh còn tổ chức tập huấn (tôi gọi là chia sẻ) kiến thức thực tiễn về du lịch cho BCH Đảng bộ và lãnh đạo tỉnh đến các huyện và thành phố trực thuộc. Tiếp theo là các ngành, các đơn vị dịch vụ và đến cả người dân. Bí thư và Chủ tịch tỉnh đẫn mấy đoàn đi khảo sát các mô hình mới. Tham vọng của Đồng Tháp là 10 năm tới, sẽ trở thành thủ phủ của du lịch miền Tây.