ABU DHABI VÀ CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP THỐNG NHẤT
Nhận lời mời của NDT – Nation Desert Travel – ở Dubai, đoàn FAM Trip của Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch và các doanh nghiệp thành phố đã lên đường khảo sát Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, còn gọi là Emirate hay UAE từ 25 – 30.9. Từ TPHCM qua Bangkok, transit ở Doha (thủ đô vương quốc Qatar) và bay ngược lại Dubai. Chặng đường hơn 6.400km – vừa bay vừa đợi mất gần 10 tiếng đồng hồ. Bay đêm nên có dịp chiêm ngắm các thành phố từ trên cao. Sài Gòn có đủ loại đèn, đủ màu sắc với những con đường cong – thẳng ngẫu hứng. Bangkok thì khá hơn với trung tâm rực rỡ đèn hiệu quảng cáo. Còn Trung Đông thì khác hẳn.
Từ Doha, Dubai đến Abu Dhabi…đều mọc lên giữa mênh mông hoang mạc. Những đại lộ thênh thang thẳng hơn thước kẻ. Các khu dân cư nề nếp ngay hàng thẳng lối. Đèn đường, đèn nhà đều “khiêm tốn”. Các sân bay ở Doha, Dubai đều thuộc loại tầm cỡ thế giới. Riêng khu vực máy bay cho thuê và phục vụ du lịch có hàng trăm trực thăng các loại, hàng trăm máy bay cá nhân đủ kiểu. Ai đến Las Vegas đều khâm phục người Mỹ giàu có đã xây dựng thành phố giải trí hàng đầu thế giới trên hoang mạc. Những nơi mà tôi vừa đi qua ở Trung Đông còn rất trẻ. Chỉ mới trên dưới 50 năm, nhờ dầu lửa, các quốc gia nghèo khổ năm nào đã “vươn vai Phù Đổng”, xây dựng cả đất nước hiện đại giữa hoang mạc khô cằn.
Từ Dubai – thành phố và cũng là 1 trong 7 tiểu vương quốc của UAE, tôi thuê xe, một mình khám phá Abu Dhabi – thủ đô của UAE. Nếu đi xe bus chỉ tốn 25 Dirham (DHS), 1 usd = 3,65 DHS. Xe taxi 1 lượt là 250 DHS, tôi chọn xe riêng của công ty Green Land giá 500 DHS trọn gói – trừ tiền ăn. Ansar, Driver – guide, người Ấn Độ lái Land Cruise 7 chỗ đưa tôi vượt 189km từ Dubai đến Abu Dhabi chưa đầy 2 giờ. UAE gồm 7 tiểu vương: Abu Dhabi (thủ đô và là tiểu vương rộng nhất), Dubai (tiểu vương giàu nhất), Fujairah, Sharjah, Ajman, Ras Al Khaimah, Umm Al Qaiwaim. Abu Dhabi có diện tích 67.340km2 (UAE là 83.600km2), dân số khoảng hơn 2.000.000 người, (UAE hơn 6.000.000). Abu Dhabi và Dubai là 2 tiểu vương có quyền phủ quyết trong UAE bởi cung cấp tới 3/4 ngân sách quốc gia. UAE được thành lập vào ngày 2.12.1971 theo chế độ quân chủ lập hiến. Hội Đồng Tối Cao của 7 tiểu vương bầu ra Tổng Thống. Khalifa Bin Zayed Al Nahyan – Tổng thống đương nhiệm của UAE có tài sản 15 tỉ USD – xếp thứ 4 trong những ông hoàng giàu nhất thế giới (sau vua Thái Lan 30 tỉ, vua Brunei 20 tỉ, vua Ả rập Xê Út 18 tỉ).
Điều kinh ngạc lớn nhất của tôi đến UAE là xứ sở này gần như không có mưa. Trời lúc nào cũng u u mờ ảo. Tầm nhìn giới hạn từ 500m trở lại, hoàn toàn vắng bóng mây. Buổi tối, không thấy sao cũng chẳng thấy trăng! Chỉ có nắng – gió – cát và nước biển. Hầm hập hơn cả gió Lào tháng 7. Nhiệt độ chênh lệch từ trong nhà, trong xe với bên ngoài lúc nào cũng trên 12oC. Hễ xuống xe hay ra khỏi nhà là mắt kính và máy ảnh mờ câm, cứ phải chùi liên tục. Hơn 90% diện tích của UAE là sa mạc. Vì không có mây nên không có mưa và chẳng có sông nước ngọt. Chỉ có các kênh nước mặn. Vậy mà UAE đã làm nên kì tích: biến nước biển thành nước ngọt, phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, trồng cây và làm sân golf. Đường siêu tốc từ Dubai đi Abu Dhabi thẳng tắp, mỗi bên từ 6 – 8 làn xe. Đi mấy ngày không thấy trạm thu phí, không thấy công an, không thấy ăn xin và bán hàng rong. Cũng không thấy dây diện ngoài trời – trừ đường điện cao thế – chẳng bù cho Việt Nam nhưng lại có vô số dây dẫn nước dưới mặt đất. Tất cả thảm cỏ và cây xanh đều có hệ thống phun tưới tự động.
Nhà máy lọc nước biển Fujairah như quái vật khổng lồ với vô số ống dẫn nước ngang dọc. Mỗi ngày nhà máy lọc được hơn 700.000m3 nước ngọt từ 4.500.000m3 nước biển, cung cấp cho cả Abu Dhabi. Các tiểu vương quốc khác cũng có những nhà máy tương tự. Trước đây, phương pháp nhiệt năng để nước biển bốc hơi thành nước ngọt, giá rất cao. Ngày nay, phương pháp lọc nước biển bằng màng lọc Polyamide – chỉ có phân tử nước mới lọt qua nên giá thành rẻ hơn, mỗi m3 khoảng 15.000 vnđ. Trong khi ở đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi giá mỗi m3 nước ngọt mua từ đất liền chở ra là 250.000 vnđ!. Nước biển được lọc thành mấy loại: nước sinh hoạt, nước uống và muối. Không cần làm ruộng muối vất vả như ở Việt Nam. Nước sinh hoạt lại được tái chế để tưới cây cỏ. UAE đang quyết tâm giải bài toán hóc búa cho thời kì hậu dầu mỏ. Khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt, UAE đã xanh hóa sa mạc để phát triển du lịch và trồng trọt. Tổng Thống UAE còn tài trợ chương trình làm mưa nhân tạo ở Abu Dhabi. Thay vì gây mưa cho các đám mây trên trời bằng clorua bạc. Công nghệ mới gọi tắt là Weather Tech dùng các ô che nắng bằng kim loại, cao khoảng 10m, nạp điện cho không khí, sản sinh ra ion âm tích bụi tổng hợp. Hàng tỉ giọt nước li ti tạo thành mây, nguồn gốc của mưa. Chương trình thành công đã sản xuất thêm nguồn nước ngọt với giá thành chỉ bằng 1/7 so với lọc nước ngọt từ nước biển. Thật khâm phục cách nghĩ táo bạo, cách làm sáng tạo và ý chí phi thường của họ. Ở Hòn Tằm, Nha Trang cũng có hệ thống lọc nước biển giá hơn 30 tỉ vnđ với công suất 1.000m3 nước ngọt mỗi ngày. Giá thành chỉ hơn 20.000vn/m3, rẻ hơn 60% nếu mua nước ngọt vận chuyển bằng tàu.
Trên đường đến Abu Dhabi, tôi đã đi qua những tổ hợp lọc dầu đồ sộ. UAE chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, xếp thứ 4 về trữ lượng khí đốt (sau Nga, Iran, Qatar). Là nước có GDP bình quân trên 57.000usd/người, xếp thứ 3 thế giới, sau Qatar và Luxembourg. Tôi cũng đi ngang qua Jebel Ali, Free Zone của UAE, hải cảng sầm uất với sự có mặt gần 5.500 công ty của hơn 120 quốc gia. Tôi cũng đã ghé Ferrari World, khu giải trí trong nhà lớn nhất thế giới – công viên đầu tiên mang thương hiệu Ferrari – Italy vừa khai trương ngày 2.11. Ferrari World có đủ trò giải trí, hấp dẫn từ già đến trẻ, từng người hay từng nhóm gia đình và cả đoàn. Ở đây có hệ thống tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới ,240km/h. Xe mô hình Formula Rossa lao xuống từ độ cao 62m, y hệt cảm giác đang ngồi trên xe đua Ferrari F1. Ferrari World có diện tích sử dụng 200.000 m2 bao gồm cả phức hợp các đường đua, hồ bơi, cửa hàng, cửa hiệu, phòng chiếu phim 3D, sân khấu nhạc nước, ca nhạc…
UAE có hơn 95% dân số theo đạo Hồi nên chỗ nào cũng có thánh đường, đi đâu cũng gặp tín đồ Hồi Giáo. Đàn ông thì mặc Dishdasha – loại áo choàng trắng, đầu đội nón trắng hoặc quấn khăn sọc đỏ. Phụ nữ thì choàng Abaya và đầu trùm khăn cùng màu đen. Ra đường phụ nữ luôn có người thân đi bên cạnh. Khi có chồng, họ thường che kín mặt chỉ trừ đôi mắt. Nhiều người thắc mắc: “trùm kĩ như vậy làm sao chồng và con họ nhận ra vợ và mẹ mình giữa số đông thiên hạ?”. Áo choàng chỉ phủ bên ngoài, bên trong – cả nam lẫn nữ vẫn mặc trang phục bình thường. Đến viếng Sheikh Zayed – ngôi đền mang tên vị Tổng Thống đầu tiên của UAE, tôi thật sự choáng ngợp. Từ xa, đền màu trắng với 4 tháp cao 107m, sừng sững giữa nền trời xám và những cao ốc hiện đại. Thánh đường Hồi Giáo lớn thứ 3 thế giới, có sức chứa 40.000 người. Nhà nguyện chính 7.000 chỗ, 2 nhà nguyện nhỏ hơn mỗi nhà 1.500 chỗ. Sân được lát gạch cẩm thạch, trang trí hoa hồng đặc sắc, rộng 17.000m2. Sàn nhà nguyện chính trải thảm hoa với hoa văn sắc sảo, rộng 5.627m2, nặng 35 tấn, được dệt bởi 1.300 nghệ nhân suốt 2 năm. Thành đường có 82 vòm, cao từ 32 – 85m, trần có nhiều họa tiết tinh tế. Đặc biệt có 7 chùm đèn treo trần khổng lồ đính hàng triệu viên pha lê Swaroski. Đèn lớn nhất cao 15m, chu vi 10m !
Abu Dhabi có nhiều nhà chọc trời với những kiểu dáng ngẫu hứng đầy sáng tạo. Hiện đại, cách tân nhưng vẫn giữ đặc trưng kiến trúc Ả Rập. Capital Gate, cao 160m là tháp nghiêng nhất thế giới. Từ tầng 12 (tháp cao 35 tầng), tháp cố ý nghiêng 18 độ, gấp 4 lần tháp nghiêng khách quan Pisa – Italy. Ấn tượng hơn cả là khách sạn Emirates Palace trải dài trên 1.000m, có bãi biển hơn 1.300m, bãi đậu xe ngầm 2.500 ô tô, hồ bơi rộng hơn 2.000m2…Diện tích sàn là 850.000m2 trong công viên tuyệt đẹp cả ngàn ha. Nội thất khách sạn được trang trí bởi 40 tấn vàng dát trên 6.000m2 đồ vật, 1.002 giá treo đèn bằng pha lê cao cấp Swaroski. Khu hòa nhạc ngoài trời có sức chứa 20.000 người. Mỗi năm 12 nhà hàng ở Emirates Palace sử dụng 5kg vàng lá nghiền mỏng để trang trí các món tráng miệng. Khách có thể ăn để chữa bệnh với liều lượng cho phép. Khách sạn có máy bán vàng miếng tự động và buồng ATM cũng bằng vàng. Giá phòng thấp nhất chỉ hơn 1.000usd/đêm, còn cao nhất gần 20.000usd. Tôi cũng đã đi qua các mall: Abu Dhabi, Marina, Al Wahda, Khalidya…đầy ắp hàng hiệu. Nhiều sale off tới 75% !. Ansar còn kể cho tôi nghe về cuộc thi hoa hậu lạc đà, đua lạc đà với hàng chục ngàn “thí sinh” từ khắp các quốc gia vùng Vịnh đổ về Abu Dhabi. Tổng giải thưởng gần 10 triệu usd và 100 xe hơi cáu cạnh. Nàng lạc đà có giá cao nhất lên đến 2.700.000usd! Chiếc điện thoại Vertu nạm kim cương của một ông hoàng đang dùng giá chỉ vài trăm ngàn usd!…Quá nhiều bất ngờ – ngạc nhiên và bái phục. Hẹn gặp lại bạn đọc tuần sau, kể tiếp chuyện Dubai.
*Nguyễn Văn Mỹ