456 CHỖ NGỦ, 2016 HOMESTAY CBT QUYẾT ĐÓN 50.000 KHÁCH
Homestay – loại hình du lịch trải nghiệm với cộng đồng rất phổ biến của thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Sinh sau đẻ muộn nên chủ yếu là học tập và vận dụng kinh nghiệm các nước.
Tầng trên không gian nghỉ ngơi được ngăn cách với các rèm thổ cẩm (CBT Droong của đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang, Quảng Nam) – Ảnh Dương Minh Bình |
Thực trạng homestay Việt Nam
Homestay gần như chưa có trong chương trình đào tạo của ngành du lịch Việt Nam.
Có hai khuynh hướng đối lập. Một bên tự nhận là truyền thống, cứ khăng khăng homestay là phải ăn ở chung với dân, như nhiều nước đang thực hiện (khổ nỗi ở Việt Nam, đa số nhà nhỏ, chủ ở cũng chật chội nói chi việc đón khách).
Một bên linh động, chủ trương cải tiến, housestay cũng được, miễn là nối kết và hòa nhập với cộng đồng.
Homestay truyền thống nghĩa là ăn ở chung với dân, điển hình là bản Lác của dân tộc Thái (Mai Châu, Hòa Bình). Bản Lác khá giàu có, nhà toàn bằng gỗ, cao ráo, thoáng mát. Nhiều nhà to, đẹp, rộng hàng trăm mét vuông.
Chỉ cần chỉnh trang chút đỉnh, mua thêm mùng, mền, nệm, gối và sửa lại nhà vệ sinh là có homestay. Khách cứ ngủ xếp lớp như trại lính, dẹp nệm là thành chỗ ăn. Sàn nhà dùng để buôn bán hàng tiêu dùng và đồ lưu niệm. Khách Tây, khách ta đều nườm nượp vì lạ, giá mềm, lại được trải nghiệm cuộc sống với người Thái.
Homestay linh động, chủ yếu là các nhà cổ ở miền Tây, các nhà rông ở Tây Nguyên và một số nhà dân được cải tạo hoặc xây mới phục vụ khách. Nhóm homestay truyền thống gọi các nhà cổ miền Tây đón khách lưu trú là housestay, còn nhà rông Tây Nguyên là hostel (nhà tập thể). Loại hình này được Nhà nước hỗ trợ, nhiều nơi còn cấp vốn, có ở một số tỉnh, thu hút khách ngoại, chủ yếu nhờ sự khác biệt và trải nghiệm.
Tuy nhiên cũng như thực trạng nhiều nước, loại hình này đang giẫm chân tại chỗ. Nếu xét về kinh doanh thuần túy thì hiệu quả chưa cao. Người dân ít nhiều ỷ lại, các chuyên gia cho rằng thiếu nhân lực. Tất cả đều ngộ nhận homestay là loại hình du lịch bình dân, rẻ tiền.
Homestay Việt Nam – Sự đột phá sáng tạo
Từ thực tiễn nhiều năm trực tiếp đón khách inbound và nội địa, nhóm CBT (Community Based Tourism – Du lịch phát triển cộng đồng) đã khởi xướng loại hình homestay “made in Vietnam” đầy sáng tạo và hiệu quả, được UNESCO Việt Nam thừa nhận và bạn bè trong khu vực đánh giá cao.
18 điểm homestay CBT đang hoạt động tại các vùng cao, vùng sâu của dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Năm 2016 sẽ Nam tiến vào Phú Yên, Đắk Lắk, qua tận Ratanakiri, Mundokini (Đông Bắc Campuchia), đặc biệt là Đồng Tháp.
Lấy cảm hứng chủ đạo từ làng hoa Tân Qui Đông rộng gần 300ha với hơn 2.000 loài, từ hoa cắm đến hoa kiểng, không ở đâu có. Làng hoa sẽ được mở rộng thành thành phố hoa Sa Đéc với cơ man nào là văn phòng hoa, nhà hoa, vườn hoa, cầu hoa, đường hoa, rạch hoa… Giữa ngút ngàn hoa và ngập tràn hương sắc là những homestay độc đáo để du khách trải nghiệm.
Miền Trung có phố cổ Hội An thì miền Tây có phố homestay Hoa Sa Đéc. Nhóm đang bắt tay làm cuộc “cách mạng” về lễ hội. Festival Đồng Tháp sẽ không có phát biểu dài dòng, báo cáo lê thê, sân khấu hóa thập cẩm… Chỉ có tuyên bố khai mạc mấy câu rồi mời tất cả hòa vào hoa với những hoạt động đặc thù mà chủ thể là du khách và người dân.
Homestay Việt Nam lấy người dân và du khách làm đồng chủ thể. Có 5 nguồn kinh phí bao gồm UNESCO và các tổ chức phi chính phủ dành cho đồng bào thiểu số vùng cao, vùng xa. Thứ hai là ngân sách nhà nước. Thứ ba là các doanh nghiệp địa phương.
Thứ tư là các doanh nghiệp lữ hành. Thứ năm là của người dân, nguồn tài chính chủ yếu và quan trọng nhất. Các nguồn khác chỉ hỗ trợ và cho mượn không lời, trả lại bằng dịch vụ để tiếp tục mở rộng và phát triển. Việc quan trọng là thay đổi cách nghĩ, đả thông tư tưởng, tìm sự đồng thuận “homestay là cách làm kinh tế mới của chính họ” để chính người dân chủ động tham gia.
Homestay Việt Nam cốt lõi là sự trải nghiệm chân thật. Do vậy, người dân nào cũng có thể tham gia nếu được huấn luyện theo kiểu trực quan và thực hành, cầm tay chỉ việc. Nhân lực tại chỗ, nhóm chỉ hỗ trợ huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ, chế biến các món ăn cho phù hợp.
Tận dụng không chỉ nguồn nhân lực mà mọi nguyên vật liệu tại chỗ một cách sáng tạo, làm nên những sản phẩm và phong cách riêng theo từng vùng miền một cách tiết kiệm nhất. Giá lưu trú qua đêm ngủ chung, có không gian riêng chỉ 80.000 đồng mỗi người, kể cả tết lễ, nhưng tất cả nhân viên phục vụ đều trang phục bản địa, khách vào có “welcome drink” và khăn lạnh, buffet sáng chỉ từ 50.000 – 70.000 đồng khách.
Giá rất bình dân nhưng dịch vụ chất lượng, cố gắng đạt chuẩn phục vụ 4 sao. Sự mộc mạc chân quê phải đi đôi với lịch lãm, vệ sinh; từ chỗ nghỉ, WC đến thực phẩm và an toàn, từ tham quan đến giao thông. Du khách không chỉ được trải nghiệm thật sự mà còn có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng.
Homestay Việt Nam không làm đại trà mà cuốn chiếu theo nhu cầu thực tế. Điều đặc biệt là nhóm CBT không chỉ tư vấn, huấn luyện mà còn tham gia giám sát, vận hành, đảm bảo nguồn khách sau khi triển khai dự án. 51% lợi nhuận từ các nguồn thu của CBT travel (khác với CBT tư vấn) được dùng để tái đầu tư cho cộng đồng.
Với 456 chỗ ngủ, năm 2016 các homestay CBT dự kiến đón trên 50.000 lượt khách đến lưu trú, trong đó hơn 70% từ các tập đoàn lữ hành quốc tế.
Sau gần 3 năm triển khai và thực nghiệm, homestay Việt Nam đã khẳng định hiệu quả, mở thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam và có thể từng bước nhân rộng ra các tỉnh. Từ các điểm sáng ban đầu, sẽ có những làng homestay CBT ở Sơn La, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và cả thành phố homestay CBT ở Sa Đéc.
Cảnh quan trên đường trekking quanh bản Hua Tạt – CBT Hua Tạt, huyện Vân Hồ, Sơn La – Ảnh Dương Minh Bình |
NGUYỄN VĂN MỸ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Thành viên nhóm CBT)
Tham khảo chương trình tour miền Bắc: ./tour-du-lich-mien-bac.html